Mang tên Bảy Mẫu nhưng diện tích thực tế của rừng dừa hiện nay khoảng 100 ha, thuộc xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thời chiến, rừng dừa Bảy Mẫu được sử dụng làm căn cứ địa của quân và dân Hội An, hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của quân thù. Nay, nhiều diện tích rừng dừa buộc phải bứng đi để nhường chỗ cho tuyến đường ven biển và những công trình du lịch.
“Hy sinh” rừng dừa
Đứng trên cầu Cửa Đại ngó sang, rừng dừa Bảy Mẫu hiện nay không còn một màu xanh thăm thẳm thẳng cánh cò bay như cách đây vài năm. Thay vào đó, hàng loạt khu du lịch, hàng loạt ngôi nhà bê tông cốt thép kiên cố mái ngói đỏ tươi mọc lên xen giữa rừng dừa tạo nên những mảng màu loang lổ. Đáng chú ý hơn, con đường nối cầu Cửa Đại với đường ven biển băng ngang qua rừng dừa như một mũi tên chọc thẳng vào tim, làm biến dạng hình hài vốn có của rừng dừa. Để làm tuyến đường này, hơn 6 ha rừng dừa đã bị san lấp, không chỉ làm thu hẹp diện tích rừng dừa mà còn tác động đến cảnh quan xung quanh, gây chia cắt, cô lập rừng dừa thành các khu vực nhỏ.
Một cụ ông ở thôn Tam Thanh Đông, xã Cẩm Thanh lắc đầu tiếc nuối khi thấy nhiều diện tích rừng dừa bị chặt hạ. Ông cho biết trong thời chiến, nhiều người dân ở Cẩm Thanh đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Đến thời bình, người Cẩm Thanh lại tiếp tục phải “hy sinh” rừng dừa để làm đường phục vụ lợi ích kinh tế. Điều mà ông và nhiều người dân lo ngại là sau này con đường hình thành, nếu không được quản lý chặt chẽ, rừng dừa rất dễ bị xâm hại bởi những công trình “ăn theo” du lịch.
Ngoài việc phải nhường đất để làm đường, tình trạng các hộ dân tự ý chuyển nhượng hồ tôm của mình cho các cá nhân xây dựng khu du lịch trái phép trong rừng dừa là vấn đề rất đáng lo ngại, làm thu hẹp diện tích rừng dừa. Dạo một vòng quanh rừng dừa, không khó để bắt gặp hàng loạt khu du lịch được xây dựng bằng bê-tông cốt thép kiên cố, đi ngược lại với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, thân thiện môi trường của TP Hội An. Điều đáng nói là trong năm 2016, khi phát hiện hàng loạt khu du lịch xây trái phép, UBND TP Hội An đã ban hành nhiều quyết định xử phạt và buộc chủ vi phạm phải tháo dỡ công trình trái phép nhưng hiện nhiều công trình vẫn y nguyên.
Điển hình, tháng 8-2016, Chủ tịch UBND TP Hội An ký quyết định xử phạt Khu Du lịch Vạn Dừa của ông Lê Quân 22,5 triệu đồng, buộc khôi phục như hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Khu Du lịch Vạn Dừa vẫn đang chễm chệ với một diện tích khá rộng giữa rừng dừa. Đây là khu du lịch được đầu tư rất quy mô với 16 công trình lớn nhỏ, được gia cố hoặc xây dựng kết cấu khung trụ, dầm bê-tông cốt thép… Khi chúng tôi đến tìm hiểu, nhiều người dân cho rằng chính địa phương không gương mẫu nên người dân mới vi phạm. Cụ thể như trường hợp ông Võ Thanh Minh, cán bộ địa chính xã Cẩm Thanh, mới đây bị phát hiện lấn chiếm hơn 100 m2 đất công để làm tường rào trái phép, đã bị buộc tháo dỡ.
Buông lỏng quản lý?
Nói về việc nhiều diện tích rừng dừa bị bứng đi nhường chỗ cho tuyến đường ven biển, theo bà Nguyễn Thị Vân, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh, khi biết con đường xuyên ngang rừng dừa, xã Cẩm Thanh có đề xuất làm một cây cầu vượt để tránh ảnh hưởng đến rừng dừa nhưng vì nhiều lý do, trong đó có việc thiếu kinh phí, nên đề xuất của xã không được thực hiện. Bà Vân cho biết để xảy ra tình trạng xây dựng các khu du lịch trái phép trong rừng dừa, trong năm 2016, 2 cán bộ địa chính xã Cẩm Thanh, trong đó có ông Minh, đã bị kiểm điểm.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm rừng dừa làm khu du lịch do chính quyền xã Cẩm Thanh buông lỏng quản lý. Ông Hùng cũng thừa nhận bản thân có trách nhiệm trong việc này vì đã không sâu sát trong việc giám sát, chỉ đạo. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết tại cuộc họp mới đây, ông đã chỉ đạo các ngành chức năng TP Hội An và UBND xã Cẩm Thanh kiên quyết buộc tháo dỡ các công trình vi phạm trong khuôn viên rừng dừa.
Tác động đến khu dự trữ sinh quyển
Theo TS Chu Mạnh Trinh, chuyên gia Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, toàn bộ diện tích rừng dừa Bảy Mẫu nằm trong vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận. Hiện nay, cơ quan chức năng đang triển khai trồng khoảng 30 ha rừng dừa nước thay thế ở khu vực dưới chân cầu Cửa Đại. Tuy nhiên, việc thay đổi hiện trạng khu rừng dừa từ các công trình ít nhiều ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của khu vực vùng đệm vốn rất quan trọng trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển. TS Trinh cho rằng điều cần thiết hiện nay là phải có những biện pháp trồng dừa thay thế cũng như nâng cao nhận thức của người dân để làm sao hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn.
Bình luận (0)