Đang ăn cơm trưa dưới bóng cây ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Đa Kao, quận 1 - TPHCM), thấy có khách đến hỏi chuyển nhà trọ, anh Nguyễn Văn Quý (25 tuổi, ngụ quận 9) ra giá 150.000 đồng từ Hàng Xanh về quận 10. Khách đồng ý, anh Quý vội vã nổ máy chạy theo xe người thuê chở đồ.
Vô tư vào trung tâm
Trưa 3-3, một người đàn ông chạy xe 3 bánh do Trung Quốc sản xuất, chất đầy hàng hóa bon bon trên đường Trần Hưng Đạo (đoạn gần chợ Bến Thành, quận 1). Đến nơi, ông tấp vào lề đường rồi rút điện thoại gọi khách giao hàng.
Vừa tấp vào lề đường Võ Văn Tần (phường 6, quận 3), chủ nhân chiếc xe ba gác cũ kỹ bị lực lượng CSGT tuýt còi yêu cầu chất hàng xuống để tạm giữ xe thì người đàn ông phản đối quyết liệt. Ban đầu, ông năn nỉ. Không được chấp nhận, người đàn ông chuyển sang trạng thái giận dữ, la hét khiến nhiều người hiếu kỳ bu quanh. Khi lực lượng CSGT và Công an phường 6 yêu cầu ông xuống xe thì người này rồ ga bỏ chạy, buộc CSGT phải hụ còi đuổi theo
Trên một số tuyến đường như Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng, Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Du (quận 1)… lác đác vẫn có người chở hàng bằng xe thô sơ, tự chế lưu thông. Ngoài ra, một số đường vành đai như Võ Văn Kiệt, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1,… các tài xế vẫn chạy bình thường.
Nhắc nhở trước, xử phạt sau
Tại vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Đa Kao, quận 1), hàng chục xe ba gác đậu bến chờ khách. Mỗi ngày, các bác tài từ khắp các quận tụ về đây chờ khách. Ai kêu gì làm nấy, từ chuyển nhà trọ, chuyển vật liệu xây dựng, sắt thép đến chở xà bần đi đổ.
Vừa chạy một cuốc được 200.000 đồng, ông Trịnh Quốc Thanh (49 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) chạy xe về tấp vào lề đường rồi mang hộp cơm ra ăn. Vừa nhai cơm, ông Thanh vừa nói: “Lúc trước, nhà nước cấm xe ba gác, tôi vét tiền và mượn thêm một ít để mua chiếc xe lôi Trung Quốc hết 80 triệu đồng nhưng chưa đăng ký. Chạy chưa được bao lâu thì nay lại có chủ trương cấm lưu thông ở nhiều tuyến đường. Mặc dù quy định không cho phép lưu thông nhưng chúng tôi vẫn nhắm mắt làm liều, gặp CSGT phạt thì chịu chứ mình không chở thì người khác cũng chở”.
Theo lời ông Thanh, mỗi sáng ông chạy xe từ quận Thủ Đức vào quận 1 để chở hàng thuê. Bữa nào gặp “kèo thơm” thì kiếm được gần 500.000 đồng. Cũng có bữa ngồi đội nắng đội mưa không có ai kêu chở là chuyện bình thường.
Cũng tại bãi xe ba gác này, anh Huỳnh Công Vinh (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết: “Tôi có đọc báo và xem kỹ những tuyến đường cấm, giờ cấm. Thậm chí còn cắt tờ báo có mẫu tin mang theo bên mình để lúc nào quên thì mang ra coi. Mấy ngày nay cũng có vài người bạn bị công an tuýt còi vì chở hàng cồng kềnh vào trung tâm quận 1. Biết chạy như vậy là sai nhưng nghề của mình, mối lái của mình sao bỏ được. Thôi chịu, tránh CSGT được lúc nào hay lúc đó”.
Một cán bộ Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM cho biết: “Mấy ngày qua, lực lượng CSGT tuýt còi chủ yếu để nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân biết thêm thông tin việc cấm xe tự chế, thô sơ lưu thông ở một số tuyến chứ chưa xử phạt trường hợp nào. Qua thời gian nhắc nhở, nếu người nào cố tình chạy vào những tuyến đường cấm theo quy định đều bị xử phạt”.
Trong khi đó, Đội CSGT Nam Sài Gòn đã xử phạt một số trường hợp xe ba gác không có giấy tờ, không đăng ký chở sắt thép lưu thông vào đường cấm ở giờ cao điểm.
Đường nào cấm xe thô sơ ? Các loại xe bị cấm lưu thông từ ngày 3-3 theo quyết định của UBND TPHCM là xe cơ giới 3 bánh tự chế, không có đăng ký; xe thô sơ 3, 4 bánh tự chế, không có đăng ký. Khu vực cấm được giới hạn trên và bên trong các tuyến đường: Hai Bà Trưng - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa - Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng; một số tuyến đường ngoài khu trung tâm TP gồm: Phan Đình Giót (đoạn từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Trường Sơn), Trường Sơn (đoạn từ đường Phan Đình Giót đến đường Hồng Hà), Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Điện Biên Phủ) và Võ Văn Kiệt (đoạn từ đường Lò Gốm đến Tôn Đức Thắng)… |
Bình luận (0)