Chiều 11-7, VKSND Tối cao đã tổ chức đối thoại trực tiếp với TS Vũ Đức Khiển (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao) và bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) để làm rõ các vấn đề còn thắc mắc xung quanh “kỳ án vườn mít” và bản án chung thân của Lê Bá Mai (Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin).
Tuyên án an toàn?
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết năm 2013, bà đến tỉnh Bình Phước để thực địa vụ Lê Bá Mai hiếp dâm rồi giết chết cháu Thị Út (nạn nhân bị hiếp dâm và sát hại trong vụ án). “Đọc hồ sơ và dựa theo bản vẽ hiện trường của công an, tôi hết sức ngỡ ngàng, bởi từ con đường đá đỏ đó đi vào khu vườn mít, nơi nạn nhân bị giết là không có đường đi. Người đi bộ còn không được thì làm sao xe máy có thể chạy, làm sao Lê Bá Mai có thể chở cháu Út vào vườn mít để thực hiện hành vi đồi bại như thế được?” - bà Thu nói và cho rằng đây là vụ án đã được dàn dựng, không hợp lý.
TS Vũ Đức Khiển đặt vấn đề: Với 2 tội danh “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em” như vậy thì không có điều luật nào cho phép tòa tuyên án chung thân. “Nếu khẳng định Lê Bá Mai phạm 2 tội nghiêm trọng đó thì phải tuyên tử hình. Liệu có phải như ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, nói đây là phán quyết an toàn?” - ông Khiển nêu nghi vấn.
Theo TS Khiển, ông đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án và thấy việc kết tội Lê Bá Mai là không có căn cứ vững chắc. Về tội hiếp dâm, ông Khiển cho biết 4 ngày sau khi xảy ra vụ việc mới tìm thấy thi thể cháu Thị Út, khi đó đã bị phân hủy nên không còn gì để chứng minh ngoài lời khai của Lê Bá Mai. Việc kết luận Lê Bá Mai giết Thị Út cũng nhiều mâu thuẫn như khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng ghi nhận thi thể đang ở tư thế quỳ gối, chổng mông. “Người chết rồi thì làm sao có tư thế đó?” - ông Khiển đặt câu hỏi.
“Người dân tộc rất thật thà nhưng ông Điểu Ky không thật thà” - bà Hoài Thu nhận định và cho biết cần phải xem xét đến việc cán bộ công an tên Sinh và ông Điểu Ky (nhân chứng của vụ án) từ lúc đó cho tới nay vẫn mâu thuẫn, tranh chấp lấn chiếm đất đai với ông Dương Bá Tuân (người thuê Lê Bá Mai làm việc - PV)
TS Khiển cho rằng: “Bốn năm làm viện phó VKSND Tối cao, mỗi năm duyệt khoảng 400 vụ án nhưng tôi chưa thấy vụ án nào như thế này. Đề nghị VKSND Tối cao xem xét lại kỹ càng”.
Phức tạp, nhiều quan điểm khác nhau
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm (Viện Phúc thẩm 3) tại TP HCM, khẳng định đây là vụ án rất phức tạp, xét xử nhiều lần và quan điểm xét xử cũng khác nhau. Ông Sơn cho rằng những vấn đề ông Khiển và bà Thu nêu ra là không mới và thuộc nhóm 20 vấn đề mà các luật sư nêu ra để tranh luận công khai, thẳng thắn với đại diện VKS tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30-8-2013. “Chúng tôi khẳng định Lê Bá Mai có tội. Trong phiên tòa phúc thẩm, chúng tôi có nói rõ với cháu Thị Hằng rằng lời khai của cháu rất quan trọng, có thể quyết định đến tính mạng của một người nên suy nghĩ kỹ. Cháu Hằng cũng nói rõ rằng hiểu điều đó và vụ việc dù xảy ra khá lâu nhưng cháu vẫn nhớ chính xác Mai là người đã chở Thị Út đi (Thị Hằng gọi Thị Út là dì - PV). Việc Hằng biết Mai không chỉ thể hiện qua lời khai mà còn có xác nhận của nhiều nhân chứng ở khu vực đó” - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, các chứng cứ cũng chỉ rõ thời gian Lê Bá Mai lấy xe chở Thị Út đi trong buổi sáng hôm đó trùng khớp với lời khai của ông Nguyễn Văn Trong - người cùng ăn, ở với Mai. Giữa lời khai của Lê Bá Mai và Thị Hằng có một điểm trùng khớp mà chỉ người trong cuộc mới biết, cơ quan điều tra khó mớm cung được như khi lên xe của bị cáo, Út có nói với Hằng là “Hằng ơi trông xe” bằng tiếng dân tộc Stiêng. Sau 1 ngày bị tạm giữ, Mai có kể lại tình tiết này. Hơn nữa, lời khai của bị cáo còn phù hợp với biên bản và khám nghiệm tử thi về việc nạn nhân không mặc quần lót.
Ông Sơn thừa nhận khi khám nghiệm hiện trường không còn tinh trùng. Tuy nhiên, việc kết tội có thể dựa vào ý định, còn việc hiếp được hay không, xuất tinh hay không thì không ý nghĩa. “Lời khai bị cáo là chở đi hiếp dâm, hiện trường cho thấy nạn nhân chết lõa thể, có tài sản nhưng không bị mất, nạn nhân không có thù hằn với bị cáo. Những điều này đủ để kết luận có cơ sở về hiếp dâm trẻ em” - ông Sơn giải thích.
Về việc Lê Bá Mai phạm 2 tội nghiêm trọng nhưng chỉ bị tuyên án chung thân, ông Nguyễn Thanh Sơn giải thích: “Chúng tôi thấy bị cáo giết người không có dự mưu, không dã man, chỉ siết cổ vì sợ nếu nạn nhân sống sẽ tố cáo. Hơn nữa, nhân thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, là người lao động thuần túy, văn hóa chỉ lớp 5/12 và bột phát phạm tội. Cha bị cáo cũng có đơn xin xem xét, bởi bị cáo là con trai duy nhất trong gia đình. Vì thế, chúng tôi đã có văn bản báo cáo VKSND Tối cao không kháng nghị giám đốc thẩm, không tăng hình phạt lên tử hình”.
Ba ngành sẽ ra phán quyết cuối cùng
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết “Chúng tôi đã thành lập 2 tổ độc lập, do 2 lãnh đạo VKSND Tối cao tham gia, nghiên cứu độc lập, cọ sát với nhau trên cơ sở dư luận và ý kiến luật sư. Họ ngồi tranh luận nhau cả tuần trước phiên xét xử. Dẫu có những lời khai mâu thuẫn với nhau nhưng có những chứng cứ phản ánh bản chất vụ việc, phù hợp với nhau”. Ông Nguyễn Hòa Bình thừa nhận quá trình cơ quan tố tụng có những sơ suất nhưng những chứng cứ “chốt” để khẳng định bản chất vụ án về tổng thể là đúng. Khi có đơn kêu oan và đề nghị xem xét lại vụ án của những người am hiểu pháp luật như TS Vũ Đức Khiển, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, VKSND Tối cao vẫn phải xem xét lại. “Lần này, không phải VKSND Tối cao xem xét độc lập. Chúng tôi sẽ đề nghị có sự tham gia của liên ngành TAND Tối cao - Bộ Công an và VKSND Tối cao và khi đó sẽ trả lời 2 câu hỏi: Lê Bá Mai có tội hay không và có cần thiết giám đốc thẩm vụ án, đủ điều kiện để nâng lên tử hình hay không?” - ông Bình kết luận buổi đối thoại.
Bình luận (0)