Bỗng có phụ huynh “la” lên: “25,5 điểm ngành báo chí coi chừng rớt!”. Mà rớt thiệt, 25,75 mới đỗ! Vậy là một số TS thực hiện công đoạn “rút và chạy”.
Tại Trường ĐH Kinh tế, ban giám hiệu nhà trường dự cảm được giờ G xét tuyển nóng bỏng nên dành nguyên cả một hội trường rộng rãi, tổ chức các khâu, kể cả mở nhạc du dương, mở máy lạnh để các TS nộp, rút hồ sơ vào giờ chót đỡ bị căng thẳng!
Trên mặt báo, sáng sớm 19-8, nhiều trường ĐH lớn tiếp tục cập nhật mức điểm trúng tuyển tạm thời cho từng ngành. So với dữ liệu công bố ngày trước đó, điểm nhiều trường tăng nhẹ ở mức 0,25. Phụ huynh và TS lập tức tháo chạy khỏi các trường tốp trên. Những TS có điểm từ 20-24 hoặc cao hơn bắt đầu đổ về các trường tốp giữa khiến các TS đang mấp mé ở trường tốp giữa phải rút hồ sơ để chạy về các trường tốp dưới… Hiệu ứng domino này đẩy TS và phụ huynh phải vắt giò lên cổ mà chạy. Với thông tin này, người đọc có cảm giác như đang đọc thông tin về chứng khoán! Và quả vậy, việc xét tuyển ĐH, CĐ lần này cũng đầy may rủi và nếu không nhanh chân dễ bị rớt như chơi!
Dư luận xã hội ủng hộ kỳ thi THPT quốc gia năm nay vì được tổ chức hợp lý. Tuy nhiên, việc tổ chức xét tuyển ĐH, CĐ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lại đem đến cảm giác rối rắm, thiếu khoa học, làm công tác tuyển sinh thêm lộn xộn, tạo áp lực cho phụ huynh lẫn TS.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho công tác tuyển sinh rối rắm, thậm chí càng về cuối có nguy cơ khủng hoảng là do Bộ GD-ĐT quá “dài tay” trong công tác tuyển sinh, đặc biệt để Cục Khảo thí đã can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Sau đó lại cho phép cả trường THPT lẫn sở GD-ĐT địa phương được can thiệp vào quá trình xét tuyển để thay đổi nguyện vọng. Trên thực tế, để xử lý hồ sơ tuyển sinh, các trường ĐH hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu của Cục Khảo thí. Quy trình hiện nay là trường nhận hồ sơ rồi tiến hành quét mã vạch, xuất ra file Excel. Sau đó chuyển file Excel cho Cục Khảo thí, rồi chờ cục chuyển lại cho trường để công bố. Bộ GD-ĐT đã làm thay cho các trường, đẩy công tác xét tuyển vào một ma trận rối bời, đôi khi có tính may rủi như chơi chứng khoán!
Nhiều chuyên gia đã góp ý với Bộ GD-ĐT nên giao quyền chủ động tuyển sinh cho các trường trên cơ sở quy chế tuyển sinh, khỏi phải cầm tay chỉ việc. Điều này chẳng có gì mới mẻ vì mỗi trường có yêu cầu tuyển sinh riêng.
Hãy để cho các trường cạnh tranh tuyển sinh bằng chính chất lượng đào tạo của mình, kể cả các trường ngoài công lập. Bộ GD-ĐT nên quay về với nhiệm vụ quản lý nhà nước, đừng ôm đồm, coi chừng lại “nghẽn mạch”.
Bình luận (0)