Chiều 10-1, đại diện của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) - ông Nguyễn Mạnh Toàn, Trưởng Phòng Pháp chế VietinBank - đã trả lời những câu hỏi mà các luật sư đặt ra trong 2 ngày qua. Trước khi trả lời, ông Toàn nhấn mạnh: “Tôi đến tòa với tư cách là đại diện của VietinBank nhưng câu trả lời của tôi là với tư cách cá nhân” (?!).
Đổ lỗi cho khách hàng
Để trả lời câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của VietinBank trong vụ án, đại diện VietinBank xin phép được nói về thuật ngữ “trách nhiệm”. Ông Toàn cho rằng việc quy định về trách nhiệm mở, thanh toán tài khoản của ngân hàng đã thể hiện rõ tại Nghị định 64/2001/NĐ-CP, Quyết định 1284/2002/QĐ-NHNN cũng như các văn bản quy định về nghiệp vụ. “Không có định nghĩa hoặc quy định nào thể hiện trách nhiệm quản lý tài khoản nên không thể có câu trả lời cho câu hỏi trách nhiệm quản lý tài khoản” - ông Toàn chốt lại.
Cũng theo đại diện VietinBank, ngân hàng mở tài khoản để cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản chứ không để quản lý tài khoản. Lý giải cho điều này, ông Toàn nói: “Tài khoản được mở trên sổ sách, hệ thống phần mềm máy tính nên không ai có thể quản lý được, chỉ có thể quản lý sổ sách hoặc phần mềm máy tính. Còn số dư trên tài khoản thuộc về quyền quản lý của chủ tài khoản. Chính vì vậy, chủ tài khoản có quyền sử dụng thông qua phương tiện thanh toán tài khoản, được quyền định đoạt số dư đó theo quy định của pháp luật”.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn nói thêm: “Trách nhiệm của ngân hàng không phải là quản lý tài khoản hay số dư trên tài khoản mà là trách nhiệm mở tài khoản và cung ứng, kiểm soát các phương tiện thanh toán khi ngân hàng sử dụng số dư trên tài khoản phù hợp với quy định pháp luật và thỏa thuận hợp pháp với khách hàng. Trách nhiệm của ngân hàng chỉ phát sinh khi khách hàng thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, trách nhiệm của chủ tài khoản” và đối với “những hợp đồng bị giả mạo chữ ký hoặc con dấu thì trách nhiệm của VietinBank đương nhiên không có”.
Trước những câu hỏi thuộc về quan điểm, đại diện VietinBank xin được trả lời sau, ở phần tranh luận.
Trước khi kết thúc phần phát biểu, ông Toàn đổ lỗi cho khách hàng đã “bỏ qua các thủ tục an toàn để bảo vệ tài khoản của mình hoặc do mình đại diện để có được khoản tiền chênh lệch, tiền lãi suất cao”.
Bất nhất
Lắng nghe phần trả lời của đại diện VietinBank, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Phạm Anh Tuấn) bức xúc: “VietinBank được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì những phát ngôn của người được ủy quyền phải đại diện cho đơn vị này. Chúng tôi không cần nghe trả lời của bất kỳ cá nhân nào không liên quan đến vụ án. Do đó, chúng tôi xem như tất cả những câu hỏi đặt ra chưa được VietinBank trả lời”.
Cùng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NaviBank) nói: “Đề nghị HĐXX xác định lại, nếu người vừa trả lời không phải là đại diện của VietinBank thì đề nghị hoãn phiên tòa, triệu tập người đại diện pháp luật của VietinBank tham gia”. Bức xúc hơn, luật sư Đình Trấn (bảo vệ quyền lợi cho Công ty Thái Bình Dương) phát biểu: “Sau khi nghe đại diện VietinBank trình bày, chúng tôi xin rút lại tất cả các câu hỏi”. Trước sự phản đối của các luật sư, ông Nguyễn Mạnh Toàn nói lại: “Tôi trả lời với tư cách của VietinBank”.
Trước đó, trong phiên tòa ngày 9-1, luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ACB) tiếp tục đề nghị triệu tập ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, với lý do VietinBank không thể vô can trong vụ án lừa đảo hàng ngàn tỉ đồng của nhân viên mình như ông Hùng đã trả lời một báo điện tử. Tuy nhiên, HĐXX nhận định việc trả lời của lãnh đạo VietinBank ngoài phiên tòa không phải là căn cứ để xem xét.
Hôm nay, 11-1, phiên tòa tiếp tục.
“Đừng hỏi bị cáo!”
Trả lời những câu hỏi của các luật sư trong ngày 10-1, bị cáo siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như tỏ ra rất nóng nảy: “Về quy trình và chính sách của VietinBank, xin đừng hỏi bị cáo vì bây giờ bị cáo không còn nhớ... Cái gì là quy định của ngân hàng thì mời luật sư xem quy định của ngân hàng, đừng có hỏi bị cáo... Luật sư làm rối ý, bị cáo không trả lời được”.
Trước điệp khúc không nhớ, không biết, không trả lời này của Như, các luật sư đành lắc đầu. Trong khi đó, bị cáo Như cầu cứu: “Thưa HĐXX, mỗi ngày bị cáo phải trả lời rất nhiều câu hỏi từ các luật sư mà cứ bắt bị cáo đứng nhớ thì không biết có còn tinh thần để tham gia xét xử không nữa!”.
Bình luận (0)