Một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá quỹ BHYT có thành công hay không chính là hiệu quả thụ hưởng của người tham gia. Trong năm học vừa qua ngành BHYT thu được 3.750 tỉ đồng nhưng chỉ chi khám chữa bệnh cho học sinh, sinh viên khoảng 1/3 nguồn thu.
Đừng biện hộ
Lý giải cho tỉ lệ chi thấp, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho rằng “Một trong những nguyên tắc của BHYT là mang tính san sẻ cộng đồng rất lớn. Dĩ nhiên phần kết dư trực tiếp hay gián tiếp cũng sẽ chi ngược trở lại phục vụ cho HS-SV, được địa phương giữ lại nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ”.
Cần nâng chất phòng khám y tế học đường. Ảnh: Thanh Duy
Nhận định về việc này, bạn đọc Nguyễn Thanh Hoàng, nói thẳng đây là sự ngụy biện. “Không có nguồn quỹ BHYT nào trên thế giới có thể kết dư mỗi năm lên đến 2/3 nguồn thu cả. Với kết dư như thế này thì rõ ràng hoạt động của quỹ BHYT học đường không có mấy tác dụng thực tế. Điều này chỉ có thể lý giải hoặc người tham gia không mấy tin tưởng vào hệ thống khám chữa bệnh BHYT, hoặc quyền thụ hưởng của người tham gia quá thấp” - bạn đọc này phân tích.
Đối với việc “phần kết dư trực tiếp hay gián tiếp cũng sẽ chi ngược trở lại phục vụ cho HS-SV”, nhiều bạn đọc phản bác: “Đây chỉ là lời nói cho qua chuyện của quan chức ngành BHYT. Ông Sơn hãy cho chúng tôi biết số tiền kết dư khổng lồ kia cụ thể được chi như thế nào cho học sinh, sinh viên. Và trong năm tới quyền thụ hưởng không có gì thay đổi thì số tiền kết dư sẽ tiếp tục tăng. Ngành BHYT sẽ sử dụng như thế nào, có dám tăng quyền thụ hưởng của người tham gia?”.
Bạn đọc Lâm Tấn Tài, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM, nhìn nhận: "Nói rằng số tiền kết dư sẽ được chi ngược trở lại, địa phương dùng nâng chất lượng khám chữa bệnh thì quá mơ hồ. Bao nhiêu năm qua, mọi người đã quá rõ chất lượng khám chữa bệnh BHYT như thế nào. Đến nay tình trạng phân biệt đối xử đối với bệnh nhân BHYT vẫn rành rành trước mắt nên câu chuyện nâng chất phục vụ còn quá xa vời. “Khi khám chữa bệnh chúng tôi trả tiền đầy đủ thông qua quỹ BHYT. Cơ sở khám chữa bệnh nào không nâng chất lượng thì chúng tôi đăng ký khám chữa bệnh ở nơi khác chứ tại sao chúng tôi phải đóng tiền để nâng chất lượng phục vụ cho các cơ sở này?” - bạn đọc Tấn Tài đặt vấn đề.
Thiếu sòng phẳng
Trước quyết định tăng mức thu BHYT học đường lên 1,5 lần, nhiều bạn đọc là phụ huynh học sinh ngao ngán. Sinh viên, học sinh còn sống phụ thuộc vào gia đình, chưa thể làm ra tiền. Mặt khác đa phần gia đình học sinh còn nghèo nên việc tăng thu đối với đối tượng này càng làm cho họ thêm khó khăn.
Quỹ BHYT học đường kết dư hơn 2.500 tỉ đồng nhưng vẫn tăng mức thu sẽ là gánh nặng cho gia đình học sinh. Ảnh: Thanh Duy
“Trong bối cảnh nguồn thu rất lớn, chi không hết, kết dư đến 2/3 mà tiếp tục tăng mức thu thì quả là vô lý. Các ông, bà cứ so sánh mức thu BHYT ở các nước nhưng sao không so sánh mức sống của họ như thế nào, thu nhập ra sao và đặc biệt quyền thụ hưởng BHYT của họ cao đến đâu? Cách so sánh trên rất khập khiễng và lấp liếm những yếu kém của hệ thống BHYT hiện nay” - một phụ huynh học sinh bày tỏ.
Trước vấn đề tỉ lệ học sinh, sinh viên khám chữa bệnh thấp, chỉ 8,78 triệu lượt khám trên tổng số 15 triệu người tham gia, nhiều bạn đọc cho rằng không hẳn do họ không có nhu cầu khám chữa bệnh. Hệ thống phòng y tế tại các trường học từ cấp mầm non cho đến đại học hiện rất thiếu thốn. Việc khám chữa bệnh ban đầu không hiệu quả nên khi có bệnh nặng học sinh, sinh viên đến ngay các bệnh viện. Nếu bệnh nhẹ thì đến các cơ sở y tế và tự chi trả.
“Thay vì cứ chăm chăm vào tăng nguồn thu thì ngành BHYT hãy nâng chất lượng phục vụ, kiện toàn hệ thống y tế trường học, tăng mức thụ hưởng của người tham gia. Những việc này là trách nhiệm và cũng chính là “thương hiệu” của BHYT nếu muốn người đóng tự nguyện và tôn trọng hoạt động của mình” - bạn đọc Sỹ Vinh nói rõ.
Bình luận (0)