Những tỉnh vừa đề nghị hỗ trợ gạo gồm Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Đắk Nông. Tổng số gạo xin (tạm tính) hơn 14.700 tấn; tổng số hộ bị đói gần 250.000 hộ.
Trong khi bao gia đình có thể đón Tết vui vẻ, mua sắm tràn đầy thì có hơn nửa triệu người không kiếm đủ cái ăn. Trong khi lắm nhà đang tính toán làm sao bớt xa xỉ trong dịp Tết thì có hàng vạn đứa trẻ loay hoay với cái đói. Bức tranh tương phản ấy tồn tại dai dẳng và rất khó xóa mờ.
Thực tế, với đà phát triển kinh tế như hiện nay, thật khó chấp nhận tình cảnh người dân có thể đói lay lắt hết năm này đến năm khác. Lượng gạo cứu đói cho số hộ dân kể trên cũng không hẳn quá sức của các địa phương, tính ra mỗi tỉnh khoảng 1.200 tấn. Với một “cường quốc gạo” như Việt Nam, giá gạo trong nước lại đang khá rẻ, chẳng lẽ một tỉnh mà không lo được 1.200 tấn gạo cho dân thoát đói, phải đi xin?
Trong 12 tỉnh xin gạo, hầu như 10 năm qua, năm nào Nghệ An cũng có tên. Mà nào phải nguồn thu của địa phương này kém. Năm 2015, Nghệ An thu ngân sách hơn 8.712 tỉ đồng. Chỉ cần con số lẻ của nguồn thu này cũng lo được cho các hộ bị đói cuối năm. Vì sao vậy? Tổng chi trong năm 2015 của Nghệ An chính là câu trả lời: 20.783 tỉ đồng. Một con số khổng lồ! Thu chừng đó mà chi như vậy thì đố mà không xin hỗ trợ gạo…
Chẳng ai muốn nghèo đói và những người dân đang thiếu thốn còn khát khao có đủ miếng ăn hơn bất kỳ ai khác. Họ phải làm việc quần quật để có được niềm vui nhìn con cái có cái ăn hằng ngày. Mà đâu phải ai nghèo đói cũng đều do không biết cách làm ăn.
Lãnh đạo có tâm thì phải biết nhìn vào những hoàn cảnh ấy, dù chỉ là thiểu số, để mà cân nhắc trước mỗi lần ký quyết định chi tiền sắm xe công, xây trụ sở, dựng tượng đài. Với một số địa phương, chỉ cần bớt dăm chiếc xe công, giảm vài buổi hội nghị, tiệc tùng là hàng ngàn hộ dân đã no đủ quanh năm. Kỳ vọng là thế song thực tế không được như vậy.
Sự ấm no của người dân chính là thước đo chuẩn xác nhất về sự thành công của một quốc gia. Chúng ta có thể tự hào về tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc, tự hào về đội ngũ cán bộ học thức và đạo đức, tự hào về tài nguyên thiên nhiên phong phú và danh lam thắng cảnh thật nhiều nhưng khi một bộ phận không hề nhỏ người dân thật thà, chất phác, chịu thương chịu khó kiếm sống mà vẫn không có đủ miếng ăn thì sự tự hào ấy trở thành sự nhạo báng.
Nghe một đứa trẻ khóc vì đói, ai cũng xót xa. Nỗi xót xa này nào phải chỉ vì một con người, một gia đình mà chính là buồn cho bộ máy quản lý chưa làm tròn trách nhiệm. Ai cũng tuyên bố mình là công bộc của dân nhưng tại nhiều nơi cán bộ chưa thật sự biết lo trước nỗi lo của dân, cũng chưa biết vui sau niềm vui của dân.
Bình luận (0)