Đây không phải là trường hợp ngoại lệ. Hồi tháng 12-2013, người đứng đầu phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM cũng đã xin lỗi và bồi thường 7,8 triệu đồng cho một người bán hàng rong vì trước đó người này bị đội trật tự đô thị phường hành hung. Tháng 10-2013, Bộ Y tế cũng lên tiếng xin lỗi vì vụ bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người và ném thi thể nạn nhân xuống sông...
Cán bộ dưới quyền làm sai, lãnh đạo đơn vị nhận thức được trong đó có phần lỗi của mình và đứng ra nhận trách nhiệm, đó là cách ứng xử văn hóa.
Ông Phạm Thành Kiên, Chủ tịch UBND quận 1 nói lời cảm ơn đến Công ty Ngôi sao giải trí vì đã tố cáo tiêu cực trong ngành thuế. Ảnh: Q.Hiền
Những lời xin lỗi kiểu như vậy đáng được biểu dương nhưng dĩ nhiên là chẳng ai muốn, bởi lẽ, làm như vậy ắt hẳn trước đó đã xảy ra điều sai trái. Mà khi cán bộ làm điều sai trái, phần thiệt thường thuộc về người dân.
Tại “cuộc xin lỗi” ngày 20-1, ông Đặng Khắc Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1, nói rằng vụ cán bộ thuế vòi 30 triệu đồng bị bắt “là chuyện xảy ra ngoài mong muốn của đơn vị”. Tất nhiên rồi. Chẳng có đơn vị nhà nước nào chủ trương kiếm tiền bằng cách ăn hối lộ. Tuy nhiên, từng cán bộ của đơn vị đó “mong muốn” thế nào là chuyện khác! Nên nhớ, cách đây vài tháng, 3 cán bộ của chính Chi cục Thuế quận 1 đã phải hầu tòa và hiện đang thụ án tù vì bị bắt khi đang ăn tiền của một doanh nghiệp. Nếu như sau lần ấy, Chi cục Thuế quận 1 tổ chức chỉnh huấn thực chất, mạnh tay thì tình hình có thể đã khác. Cho nên, không thể không đặt câu hỏi: Liệu sau lần xin lỗi này, sẽ không còn cán bộ thuế nào nhúng chàm? Hễ có cán bộ thuế bị bắt về hành vi tương tự, lãnh đạo đơn vị lại phải đi xin lỗi mãi hay sao?...
Chẳng ai muốn mình phải tham nhũng và càng không muốn bị bắt vì tham nhũng nhưng thực tế có rất nhiều người đã gục ngã trước “viên đạn bọc đường”. Tệ trạng ấy vốn như cỏ dại, có thể nảy nở bất kỳ nơi nào, lúc nào miễn là gặp điều kiện thuận lợi. Lỗi do người trong cuộc thiếu tu thân chỉ một phần, cái lỗi chính là đối với một môi trường dễ phát sinh “cỏ dại” như thuế vụ mà lại không thiết lập được cơ chế giám sát và chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, tiễu trừ.
Không riêng ngành thuế, ở một số lĩnh vực khác nữa ắt hẳn đã có không ít bàn tay nhám nhân danh công lực đã thò ra móc túi doanh nghiệp mà chưa bị lôi ra ánh sáng. Vì thế, lời xin lỗi của lãnh đạo cấp trên vì sai phạm của thuộc cấp cũng là lời nhắc nhở, cảnh báo đối với đội ngũ cán bộ trong guồng máy. Đối với người dân, xin lỗi chưa phải là xong mà còn đòi hỏi nhà chức trách phải làm sao để họ không phải nghe những lời như thế nữa...
Bình luận (0)