Sáng 11-8, tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã diễn ra lễ công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm (SN 1935; ngụ xã Yên Phụ, huyện Yên Phong). Ông Thêm đã bị giam oan hơn 5 năm 6 tháng.
Bài học đắt giá
Đại tá Đoàn Tất Kỉnh, đại diện Cơ quan CSĐT Bộ Công an, đã công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Văn Thêm. Theo đó, ông Thêm không giết ông Nguyễn Khắc Văn (ngụ cùng địa phương, em con cô ruột) vào đêm 23-7-1970 tại phố Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc).
Ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND Tối cao, khẳng định việc xét xử đối với ông Thêm là không đúng. Việc minh oan kéo dài nhiều năm đã gây những tổn thương, mất mát cho ông.
“Đây là bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc xét xử để không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Ngay sau hôm nay, chúng tôi sẽ khẩn trương tiến hành các thủ tục bồi thường cho ông Thêm. Mong ông Thêm thông cảm sâu sắc và tha thứ cho các cơ quan tố tụng đã làm oan ông” - ông Tuân nhấn mạnh.
Sau khi nghe các cơ quan chức năng xin lỗi, ông Trần Văn Thêm đã cảm ơn Chủ tịch nước, lãnh đạo Bộ Công an, VKSND Tối cao. Đặc biệt, ông tỏ lòng biết ơn ông Bùi Văn Hòa, Phó Chánh án TAND Tối cao và lãnh đạo Công ty Luật Hòa Lợi đã không ngại khó khăn, vất vả tìm lại bản án, nhân chứng, chứng cứ để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết oan sai.
Ông Thêm mong muốn bà con làng xóm và gia đình, con cháu của ông Nguyễn Khắc Văn chia sẻ, thông cảm với nỗi oan ức của ông trong 46 năm qua. Từ nay về sau, con cháu, anh em 2 gia đình gắn kết lại tình cảm gia tộc để quay lại tình nghĩa như trước.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 3-1970, để có tiền nuôi 5 con nhỏ, ông Thêm đã cùng ông Văn chạy xe đạp lên tỉnh Vĩnh Phú mua trám mang về chợ quê bán. Trong một lần đi buôn, vào đêm 23-7-1970, 2 anh em ông Thêm lỡ đường nên ghé vào ngủ ở lều cắt tóc cạnh Cầu Diện. Nửa đêm, 2 người bị cướp tấn công khiến cả hai bị thương, riêng ông Văn bị thương nặng nên qua đời sau đó tại bệnh viện.
Do có nhân chứng nhìn thấy ông Thêm cầm trên tay một chiếc cọc dính máu cùng với việc không bị mất tài sản nên cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú tình nghi ông giết em họ để cướp của. Ngày 30-7-1970, ông Thêm bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phú khởi tố, bắt giam, sau đó bị 2 cấp tòa kết án tử hình về tội “Giết người”.
Đến năm 1975, người được cho là hung thủ của vụ án xuất hiện nên Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao lúc đó đã làm thủ tục giám đốc thẩm, hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết án ông Thêm để giao hồ sơ cho TAND tỉnh Vĩnh Phú xét xử lại. Quá trình điều tra lại, Công an tỉnh Vĩnh Phú xác định ông Thêm không phải là thủ phạm gây ra vụ án giết người cướp của. Do đó, ông đã được trả tự do, được cấp giấy miễn lao động nặng. Tuy nhiên, do tình hình chính trị - xã hội lúc đó chưa ổn định nên vụ án chưa được đưa ra xét xử. Từ năm 1980-1984, bị cáo trong vụ án đã chết nên việc minh oan cho ông Thêm bị kéo dài.
Việc ông Trần Văn Thêm từ bị hại trở thành bị cáo trong vụ án, theo ông Trần Văn Tuân là do lỗi của các cơ quan tố tụng trực tiếp điều tra truy tố, xét xử ông từ năm 1970. Việc để vụ án kéo dài, chậm trễ minh oan do chiến tranh, chia tách địa giới hành chính tỉnh nên tài liệu vụ án bị thất lạc.
Như được sống lại
Ông Trần Văn Thêm năm nay đã 81 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều. Mắt ông đã kém, chân đã run, tai đã lảng nhưng những ký ức vẫn mạnh mẽ. Ông Thêm nhớ như in những lúc ngắn ngủi được gặp vợ ông Văn tại các phiên xử. Khi đó, ông luôn nói: “Thím à! Tôi không giết Văn. Chắc chắn hung thủ thật sự sẽ bị bắt”. Dù vậy, ngay cả khi ông Thêm được tự do mà chưa minh oan, cả gia đình ông và gia đình ông Nguyễn Khắc Văn vẫn khắc sâu mối bất hòa.
Sau khi trở về, nhà chẳng còn gì, con cái nheo nhóc, ông Thêm trầy trật đi xin việc khắp nơi. Hết làm bảo vệ rồi lại đi buôn bán, cứ tích cóp được đồng nào, ông lại thuê người viết đơn kêu oan. Ông lọc cọc chạy xe đạp mang đơn đi gửi ở Hà Nội rồi lại trở về mưu sinh. Ở quê, tai tiếng cứ đeo bám cả đời người. Vì thế, khi hơn 70 tuổi, ông Thêm vẫn quyết tâm tìm sự trong sạch cho mình.
Nghĩ chặng đường đã qua mà ứa nước mắt, ông Thêm bày tỏ: “Cả tối qua, tôi không thể ngủ được, một phần vì hồi hộp chờ đến hôm nay, một phần vì quá hạnh phúc. Chưa bao giờ tôi mong trời sáng từng phút, từng giây như vậy. Hơn 40 năm qua, gia đình tôi sống trong đau khổ, tuyệt vọng nên hôm nay, khi nghe công bố đình chỉ điều tra và nghe lời xin lỗi, tôi vô cùng xúc động. Cảm giác như được sống lại”.
Ông Thêm cho biết bây giờ, những kỳ thị, xa lánh của bà con trước kia đã tan biến hết. Đi đến đâu, ông cũng được bà con chúc mừng, động viên nên rất phấn khởi. Ông vẫn hay nói với con cháu: “Giờ có ra đi thì đã thanh thản, nhắm mắt được rồi...”.
Nghi can trong vụ án đã chết
Ngay sau khi ông Thêm được xin lỗi, người thân của gia đình ông Văn đã gây náo loạn hội trường. Những người thân của ông Văn bức xúc: “Phải công bố ai là người giết bố tôi? Tại sao không công bố để 2 gia đình bất hòa bao nhiêu năm?... Suốt bao nhiêu năm qua, mất cha, chúng tôi không được ăn học, chịu bao thiệt thòi. Vậy ai là người đền bù cho chúng tôi...?”.
Trước đó, theo đại diện Bộ Công an, vào năm 1975, thủ phạm gây vụ án mạng đã được xác định rõ, sau đó ông Thêm mới được trả tự do. Tuy nhiên, do tình hình chính trị - xã hội lúc đó chưa ổn định nên vụ án chưa được đưa ra xét xử. Hiện nghi can trong vụ án này đã chết.
Bình luận (0)