Những gương mặt căng thẳng, lo lắng, hớt hãi lắp bắp và lầm rầm cầu xin tài lộc trước đấng từ bi. Đức Phật làm gì có tài, có lộc mà xin. Sai địa chỉ rồi! Ấy thế mà họ vẫn mặc, vẫn sắm sanh lễ vật đắt tiền, vượt hàng trăm cây số đến chùa; thậm chí có tín đồ thuê cả đám người khiêng một cây xanh to lên danh lam trên núi cao để trồng nhằm lưu danh, nguyện thần Phật phổ độ cho mình.
Vậy là ngoại trừ những ai đến chùa để cầu mong thường tâm an lạc, để dưỡng tánh tu tâm, sống đạo hạnh tịnh thanh với đời như đúng tinh thần Phật giáo, thì phần còn lại đã hiểu sai về đạo Phật. Hiểu sai nên hành động sai theo. Đức Phật (Thích Ca Mâu Ni) vốn là một thái tử, từ bỏ mọi sự xa hoa của cuộc sống hoàng gia mà đi tu; tu để diệt khổ, hằng mong đạt đến bi trí toàn mãn. Những phù hoa danh lợi từng có, Đức Phật đã từ bỏ cả rồi, còn đâu nữa mà chúng sanh cứ xin ban phát?! Và cũng đừng nhét tiền, nhét đô-la vào tay tượng thần Phật làm gì. Lẽ nào hối lộ thánh thần để “mua” sức khỏe, để làm ăn trúng mánh, để được lại quả lợi này lộc kia?
Chúng sanh lắm người đã u muội, nhà chùa có lúc cũng quên cả đạo hướng thiện lương của mình. Có sư phát lộc cho du khách bằng cách tung cái gọi là “lộc” vào đám đông vây quanh. Có chùa tổ chức phóng sinh hàng tấn cá chim trắng xuống sông Hồng mà cá này các nhà khoa học cho là loài gây hại. Gây hại hay không, đang còn tranh cãi, song đã thấy trái khoáy một điều rằng đánh bắt cá để làm gì rồi đem thả, mà thả đến hàng tấn, vậy đâu có đúng ý nghĩa phóng sinh. Phóng sinh đúng nghĩa của nhà Phật là cứu nạn bằng tấm lòng từ bi đích thực, không chê ít đòi nhiều, không tư lợi bản thân. Mặt trái của phóng sinh vào rằm tháng giêng hay rằm tháng bảy nhiều năm qua trên thực tế như chúng ta đã thấy: Người ta tổ chức săn bắt đám chim phóng sinh (ốm yếu, khó bay xa) để bán lại cho nhà chùa, cho Phật tử để tiếp tục… phóng sinh, rồi bắt lại…! Cứ thế, có khác nào nhuộm màu tục lụy cho cửa thiền.
Mua thánh bán thần chưa đã, lại còn đoạt phết, tranh ấn. Xin ấn đền Trần (Nam Định và Thái Bình) là tập tục đẹp, có từ rất lâu đời; đến thời buổi kim tiền bỗng dưng biến thái. Năm xưa, vua tôi nhà Trần khai ấn để tế lễ trời, đất, tiên tổ, cầu cho thiên hạ thái bình rồi mới ban phẩm trật, tước hiệu cho quan văn tướng võ có công trạng. Ngày nay, bất kể có hay chưa đóng góp gì cho nước, cho dân, người ta vẫn bất chấp đường xa vạn dặm, sẵn sàng chầu chực từ sáng sớm đến khuya để nhào vào kiếm lá ấn nhằm mong thăng quan tiến chức, cầu “Tích phúc vô cương”…
Hình ảnh xấu xí ấy bị lên án năm này qua năm khác vẫn không thay đổi. Ôi cái sự đời, ngẫm mà ngao ngán! Trong đám đông lễ chùa, viếng đền ấy có không ít “công bộc” của dân, được mấy ai nguyện cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận? Mà cũng chẳng mong họ khấn ước điều gì to tát, chỉ cần họ tận tụy với dân, đừng làm khổ dân... là mừng lắm rồi!
Bình luận (0)