Chiều 30-6, Chính phủ đã tổ chức phiên họp thường kỳ trực tuyến với 63 tỉnh, TP trên cả nước.
Báo cáo trước Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết tính đến ngày 20-6, tổng phương tiện thanh toán ước tăng hơn 8% so với tháng 12-2015, tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng ước tăng 8,23%, tổng dư nợ tín dụng tăng 6,2%.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng đánh giá sự kiện nước Anh rời EU đã có ảnh hưởng nhất định tới thị trường ngoại hối và chứng khoán của Việt Nam. Đặc biệt, riêng trong ngày Anh công bố kết quả trưng cầu dân ý về việc rời bỏ EU, VN-Index có lúc giảm tới 34 điểm, mạnh nhất kể từ đầu năm 2016.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý, với Việt Nam, Bộ Ngoại giao đánh giá tác động trực tiếp của sự kiện trên không nhiều nhưng tác động gián tiếp là có. Tuy nhiên, tới thời điểm này vẫn chưa thể đánh giá được hết.
“Nếu nền kinh tế Anh, EU khó khăn bởi giá các đồng tiền chủ chốt như bảng Anh, USD, euro... sụt giảm thì quả là có thể Trung Quốc sẽ phải giảm giá đồng nhân dân tệ. Khi đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá đồng tiền Việt Nam; rủi ro về tài chính, trả nợ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, đàm phán hiệp định thương mại với EU tới đây nhiều khả năng sẽ kéo dài vì phải đàm phán lại...” - ông Quý phân tích.
Tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế hết sức quan trọng, là nhiệm vụ ưu tiên số 1. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ các rào cản, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở đó, trong quá trình xây dựng và dự thảo văn bản quy định chi tiết thực hiện các luật, pháp lệnh của Việt Nam - đặc biệt là các luật, pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 - tinh thần được đưa ra là xóa bỏ các rào cản, các giấy phép con. Các bộ, ngành đã tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành 50/50 nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 1-7.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vấn đề rất được quan tâm là chất lượng các nghị định có phù hợp với tinh thần đổi mới, cải cách của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; có giảm được giấy phép con, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hay không?
“Quyền tự do kinh doanh phải được thể hiện trong các nghị định để người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những gì luật không cấm. Không vì quản lý nhà nước mà kìm hãm phát triển, phải loại bỏ những tư duy cũ áp vào nghị định” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tòa nhà 8B Lê Trực: Xử lý sai phạm để làm điểm
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi: “Với vụ nhà 8B Lê Trực, Hà Nội có xử lý nghiêm túc sai phạm được không hay cứ để trơ trơ như thế?”.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết đến nay, TP đã chỉ đạo phá dỡ 238 m2 sàn ở tầng 19. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã chậm trễ trong tháo dỡ. TP Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục yêu cầu Hà Nội khẳng định cụ thể việc xử lý, lấy công trình này làm điểm để chấn chỉnh lại kỷ cương, trật tự xây dựng đô thị, xây dựng thủ đô ngày càng văn minh, lịch sự.
Bình luận (0)