Một ngày cuối tháng 5-2012, trong vai những nghiên cứu sinh, chúng tôi tìm đến xã Đắk Ha (huyện Đắk G’long), điểm nóng của tình trạng khai thác vàng trái phép của tỉnh Đắk Nông. Sau nhiều giờ băng rừng, lội suối, cuối cùng chúng tôi cũng đến được công trường vàng thuộc địa bàn thôn 3, xã Đắk Ha.
Náo động một vùng rừng
Từ trên cao nhìn xuống, công trường khai thác vàng thôn 3 trông giống như một nơi bị đạn bom cày xới với hàng chục điểm khai thác vàng trái phép. Hàng chục lều, lán kiên cố được dựng lên, hàng trăm phu vàng thi nhau đào bới. Những cái hố sâu hút, chằng chịt kéo dài hàng trăm mét. Bao cây rừng vì thế cũng ngã xuống.
Trời đã đứng bóng nhưng những phu vàng vẫn đang hối hả gí mấy vòi nước mạnh vào vách đất. Tiếng máy nổ hút nước, hút đất náo động cả một vùng. Rời ngọn đồi đang đứng, men theo con suối đục ngầu bởi nước thải từ các máng đãi vàng, chúng tôi tiếp cận một điểm khai thác vàng trái phép.
Hơn 20 phu vàng đang hì hục đục khoét vào những vách đất cao hơn 5 m, bên trên là những cây rừng lớn nhỏ bật gốc. Cạnh đó, một lán trại chứa gần chục máy nổ và giàn lọc đang hoạt động hết công suất. Thấy người lạ, cả nhóm ngừng tay nhìn chúng tôi hết sức khó chịu, rồi quát nạt, đuổi đi chỗ khác.
Cách điểm khai thác vàng nói trên khoảng 200 m là điểm khai thác vàng của ông N.V.K. Hơn 10 phu vàng đang xoay quanh 2 chiếc máy nổ và máng đãi vàng. Một máy hút nước từ con suối rồi gí vòi vào các vách cho đất lở ra. Máy còn lại, hút đất và nước từ máy thứ nhất đưa lên máng lọc. Từ đây, vàng cám sẽ lắng lại dưới máng, còn đất đá, nước đục được đổ lại về dòng suối.
Một điểm khai thác vàng trái phép tại xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông
Mặc dù khai thác thủ công nhưng cả một khu vực rộng hơn 3 ha bị đào bới, loang lổ những hố sâu. Sự có mặt của chúng tôi không ảnh hưởng gì tới công việc của ông K. Hỏi vì sao lại khai thác vàng trái phép mà không lo có người lạ, ông K. cười nói: “Có gì mà sợ. Tôi đang khai thác hợp pháp mà, toàn bộ diện tích này tôi mua lại của một người khác với giá 200 triệu đồng”.
Rời điểm khai thác vàng của ông K., chúng tôi tiếp tục đến những điểm khai thác vàng khác. Chỉ hơn 1 giờ, chúng tôi đã đi qua hơn 10 điểm khai thác vàng trái phép và điểm nào cũng hoạt động rầm rộ như một nhà máy sản xuất.
Không chỉ khai thác thủ công, lộ thiên mà có những điểm còn dùng cả máy múc, máy phát điện, xây dựng bể chứa nước và lán trại kiên cố để khoan hầm, xẻ núi tìm vàng. Một phu vàng nói rằng tất cả đều chỉ vì vàng. Ông chủ của phu vàng này đã bỏ hàng trăm triệu đồng mua đất mới được bảo kê khai thác.
Bắt cóc bỏ đĩa
Đầu tháng 5-2012, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông đã truy quét những điểm khai thác vàng trái phép tại các tiểu khu 1660, 1661, 1673, 1730, 1737, 1739 thuộc lâm phần của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn và Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đắk Lắk. Lực lượng chức năng đã xóa bỏ 37 điểm khai thác vàng trái phép, phá hủy hàng trăm lán trại, thu giữ và tiêu hủy 63 máy nổ, 3 máy múc, 52 giàn sàng lọc đãi vàng, cùng hàng ngàn lít dầu nhớt và nhiều công cụ phục vụ khai thác vàng.
Trước và sau vụ truy quét trên, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần ra quân nhưng việc xử lý vi phạm như “bắt cóc bỏ đĩa”. Do vậy, tình trạng khai thác vàng trái phép ở một số xã của huyện Đắk G’long diễn ra ồ ạt từ nhiều năm nay. Thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông cho biết hiện trên địa bàn huyện Đắk G’long có gần 100 điểm khai thác vàng trái phép, tập trung tại các xã Đắk R’măng, Đắk Ha, Quảng Sơn và Quảng Hòa.
Theo trung tá Bùi Ngọc Tiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh này chưa có một doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác vàng. “Muốn chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép, ngoài việc tổ chức truy quét thường xuyên, chính quyền địa phương phải luôn “để mắt” đến các điểm nóng, chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn” - trung tá Tiến nói.
Nguồn nước ô nhiễm nặng
Việc khai thác vàng trái phép không chỉ làm mất rừng, cạn kiệt tài nguyên rừng mà còn làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Hỗn hợp vàng sau khi được khai thác sẽ được ủ với dung dịch cyanua - chất độc, cấm mua bán.
Sau đó, cyanua được thải ra khu vực xung quanh, theo dòng nước bùn đục ngầu đổ ra các con suối. Nước từ các con suối này là nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu chủ yếu cho hàng ngàn hộ dân ở hạ nguồn. |
Bình luận (0)