Ngày 18-1, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp, chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả, bố trí chỗ ở cho người dân trong vụ hỏa hoạn thiêu rụi nhà cửa, tài sản của 78 hộ dân ở phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang tối 17-1.
Tài sản bao năm chỉ còn quần áo trên người
Sáng 18-1, khói vẫn còn bốc lên ở khu nhà chồ (nhà tạm, dựng cọc) sát sông Cái Nha Trang thuộc cồn Nhất Trí, phường Vĩnh Phước. Đây là nơi cư ngụ của hơn 70 hộ dân làm nghề biển, giờ chỉ còn là đống tro tàn. Chiếc giường bằng sắt cũng bị lửa nung quéo, đồ thủy tinh chảy thành vũng. Hàng chục người dân thẫn thờ nhìn nhau. Tiếng khóc của những phụ nữ vang lên không ngớt. Trên 400 người sau 1 đêm bỗng chốc trở thành vô gia cư.
Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi nhà cửa của hơn 70 hộ dân
Ông Bùi Văn Cường (bìa phải), Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, động viên người dân
Bà Cao Thị Phước (ngụ tổ 6 Hà Ra, phường Vĩnh Phước) đứng tại nền cũ của căn nhà mà rưng rưng nước mắt. Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 17-1, trong lúc cả nhà chuẩn bị đi ngủ thì bà thấy lửa bùng phát dữ dội phía sau nhà. Đang nằm với đứa cháu 9 tháng tuổi, bà Phước chỉ kịp bế cháu chạy khỏi nhà. Đằng sau, con trai, con dâu bà Phước cũng ôm 2 đứa con hớt hải chạy theo.
“Lúc đó, mạnh ai nấy chạy. Lửa bùng phát nhanh quá! Chồng tôi cũng chỉ ôm được di ảnh của cha mẹ là liệt sĩ. Giờ không còn gì hết…” - bà Phước bật khóc.
Trong lúc ngọn lửa bùng lên, ông Nguyễn Văn Đức (43 tuổi) la hét vợ con bỏ chạy nhưng con út bị thất lạc. Lạc mất con giữa đám cháy khiến trái tim ông như bị bóp nghẹt. "Tôi lao vào đám cháy, lục mọi ngõ ngách tìm con. May mắn là cháu được hàng xóm tìm thấy, kéo ra nơi an toàn” - ông Đức thở phào.
Còn chị Phan Thị Tàu (33 tuổi) vẫn chưa tin được nhà mình đã bị cháy rụi. Gần Tết, chị mới mua quần áo mới cho con. Con chưa kịp mặc, vậy mà chỉ một đêm, gia đình đã lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Toàn bộ tài sản tích cóp bao nhiêu năm nay chỉ còn mỗi bộ quần áo mặc trên người. May mà có người quen cho ở nhờ 1 đêm trong lúc cả nhà chị lang thang chưa biết đi đâu về đâu.
Thê thảm hơn là ngư dân Trần Khắc Thạch. Ông Thạch vừa bị chìm tàu ở vùng biển Trường Sa, thiệt hại hơn 1 tỉ đồng, nay lại cháy mất căn nhà và toàn bộ ngư lưới cụ trị giá trên 200 triệu đồng. Lúc lửa cháy lớn, cả nhà ông chỉ kịp thoát khỏi căn nhà. Họ định quay lại cứu tài sản nhưng các bình gas nổ nên không ai dám xông vào. Ông Thạch đành lên tàu, nổ máy bật đèn cho lực lượng cứu nạn chữa cháy.
“Gia đình vay gần 600 triệu đồng để mua tàu mới. Chúng tôi chưa trả được đồng nào, giờ lại rơi vào cảnh vô gia cư. Tai họa cứ chồng chất, sao chúng tôi chịu nổi? Chúng tôi chỉ biết trông chờ chính quyền tạo điều kiện cho người dân có nơi ăn chốn ở chứ chúng tôi trắng tay, mất Tết rồi!” - ông Thạch than thở.
Lo chỗ ở cho dân
Trước thiệt hại quá lớn của các hộ dân, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo TP Nha Trang khẩn trương hỗ trợ người dân. Đồng thời, xây dựng phương án tái định cư ở một địa điểm khác phù hợp theo khả năng quỹ đất của địa phương cho người dân gặp hỏa hoạn.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước, cho hay phường đang liên hệ với chủ cho thuê nhà trọ, ký túc xá của các trường ĐH, CĐ để bố trí các hộ dân vào ở. Phường đề nghị UBND TP Nha Trang hỗ trợ người dân 3 tháng tiền thuê nhà, cung cấp lương thực, thực phẩm, quần áo để Tết này, bà con có nơi ăn ở. Phường cũng khẩn thiết kêu gọi các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ người dân qua cơn hoạn nạn.
Theo UBND phường Vĩnh Phước, khu vực xảy ra hỏa hoạn chủ yếu nhà cửa làm bằng gỗ, vật liệu dễ cháy, gặp gió to nên lửa lan nhanh. Đường vào xóm nhà chồ rất nhỏ, xe chữa cháy không thể vào bên trong. Lực lượng cứu nạn phải phá nhà làm vành đai để tránh cháy lan, đồng thời huy động thuyền của dân dùng máy bơm nước dập lửa.
Ông Nguyễn Văn Cường cho hay khu vực cháy nằm trong dự án Chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường tại khu vực cồn Nhất Trí do Công ty TNHH Đầu tư Phạm Trần làm chủ đầu tư với diện tích thu hồi hơn 21 ha. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng, được UBND tỉnh cho phép xây dựng các dự án tổ hợp khách sạn, biệt thự, khu thương mại dịch vụ, chung cư tái định cư... Dự án ảnh hưởng 1.400 hộ với khoảng 7.000 người dân, trong đó dự kiến khoảng 1.200 hộ phải di dời tái định cư. Năm nay, tỉnh dự kiến sẽ di dời 70 hộ dân ở khu nhà chồ lên khu tái định cư Đất Lành (xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang) và khu dân cư Ngọc Hiệp (phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang).
Với tình hình này, phường Vĩnh Phước kiến nghị TP Nha Trang khẩn trương đưa số hộ này vào khu tái định cư, trong đó xem xét tái định cư phù hợp với các hộ dân làm nghề biển. Một số hộ không đồng tình với việc thu hồi đất toàn bộ khu vực cồn Nhất Trí để thực hiện dự án mà chỉ đồng ý tái định cư cho người dân ở khu vực nhà chồ.
Trước đó, cận Tết năm 2008, một vụ cháy lớn đã xảy ra ở xóm chài phía Bắc cầu Trần Phú thuộc phường Vĩnh Thọ. Đây là khu vực cư ngụ của các hộ dân nằm trong diện giải tỏa để thực hiện dự án xây dựng bờ kè.
Hỗ trợ kịp thời cho người dân
Ngày 18-1, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có công điện yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo khẩn trương thăm hỏi, khắc phục hậu quả; hỗ trợ kịp thời các hộ dân bị thiệt hại, bố trí chỗ ở, ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân chuẩn bị đón Tết; đồng thời, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
Cùng ngày, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã có mặt tại hiện trường thăm hỏi, động viên các gia đình gặp hỏa hoạn. Ông Cường đã trao 120 triệu đồng hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi hộ có nhà bị thiệt hại hoàn toàn. Công ty CP Mê Trang ủng hộ 20 triệu đồng. Nhiều người dân cũng đưa quần áo, lương thực đến tiếp tế cho các nạn nhân.
Bình luận (0)