Lam Thành giờ chỉ còn lại một số dấu tích nhếch nhác
Chen khuất giữa cỏ cây
Lục Niên Thành được Lê Lợi cho xây dựng năm 1424 trên đỉnh núi Thiên Nhẫn. Thành có hình chữ nhật, chiều dài hàng trăm mét, xây theo kiểu ghép đá trên độ cao 178 m. Do nằm trên đỉnh núi cao nên Lục Niên Thành chính là nơi bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn có thể quan sát bao quát và khống chế cả một vùng rộng lớn của lưu vực sông Lam, sông La, đồng thời theo dõi hoạt động của quân Minh trong thành Nghệ An. Lục Niên Thành là nơi Lê Lợi chỉ huy nghĩa quân vây hãm thành Nghệ An và là nơi xây dựng lực lượng để tiến quân ra Bắc, tiêu diệt quân Minh xâm lược thế kỷ XV.
Hiện nay, các cổng thành đồ sộ ngày nào hầu như không còn gì. Chân thành nơi rộng nhất chỉ còn khoảng 2 m, nơi nhỏ chưa đến 0,5 m, các bờ tường đã bị sạt lở. Trên đỉnh Hoàng Tâm cao nhất núi Thiên Nhẫn, nơi ngày xưa nghĩa quân Lam Sơn dựng chòi canh gác nhìn toàn cảnh Lục Niên Thành, giờ chỉ còn vài dấu tích nằm chen khuất giữa cây cỏ.
Ông Đặng Văn Lợi, nhà ở xã Nam Kim, gần Lục Niên Thành, ngậm ngùi: “Trước đây, nghe ông cha nói thành được xây dựng lớn lắm, giờ chỉ thấy vài bức tường đá nằm chỏng chơ trên đồi thôi. Thành được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia nhưng không thấy ai sửa sang gì. Khu vực thành hiện nay hoang vắng lắm, hằng ngày chỉ có vài người dân địa phương lên nhặt củi. Về đây hỏi Lục Niên Thành, người già may ra mới biết, lớp trẻ không ai biết đâu!”.
Hoang phế, nhạt nhòa
Núi Lam Thành (còn gọi là Hùng Sơn, Nghĩa Liệt, Đồng Trụ Sơn) nằm sát bên bờ sông Lam thuộc địa phận hai xã Hưng Phú và Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên - Nghệ An. Do có địa thế cao, hiểm trở nên núi Lam Thành xưa là một vị trí phòng thủ chiến lược gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trong công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Thời nhà Hồ (1336 -1407), Hồ Quý Ly đã cho xây dựng thành Rùm (sau đổi tên là Lam Thành) để đề phòng quân Minh xâm lược. Sau này, từ đầu triều Lê (1428) đến cuối thời Tây Sơn (1801), Lam Thành là trấn lỵ của Nghệ An.
Theo tư liệu, Lam Thành được xây trên núi cao chạy ôm từ sườn núi phía Đông Bắc xuống phía Nam rồi vòng lên phía Tây. Thành này có hình thang, xây ghép bằng đá núi, vôi, mật, trên mặt thành có nhiều đoạn được xây cao làm vọng gác, ụ súng. Cổng thành có ba cửa, cửa chính làm nơi hành lễ, vận chuyển lương thực, vũ khí; cửa phụ làm nơi ra vào cho quân lính... Dưới chân núi Lam Thành trước đây còn có nhiều di tích như: đền thờ Nguyễn Biểu, đền thờ Tuyên Nghĩa Vương, đền Thanh Liệt, đền Vua Lê, chùa An Quốc, chùa Ông, chùa Mụ, chùa Hầm Hờ...
Vậy mà đến Lam Thành ngày nay, không ai có thể nhận ra đây đã từng là trấn lỵ sầm uất của Nghệ An hàng trăm năm trước. Không bảng chỉ dẫn, không một bóng người, đập vào mắt chúng tôi là tấm bảng “khu vực thi công chống sạt lở” nhưng thật ra, chiếc máy xúc đang đào bới khu vực thành cổ Lam Thành là để tận thu quặng mangan. Tường thành cao lớn, sừng sững ngày nào giờ đây chỉ còn thấp lè tè và phủ đầy cây dại; các lớp đá chông chênh, nghiêng ngả có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Những công trình hoành tráng trước đây như cột cờ, ụ súng, trại lính, kho lương, hồ Voi, hồ Ngựa, đền thờ vua Lê, đền thờ Tuyên Nghĩa Vương… chỉ còn lại vài dấu tích mờ nhạt.
Khó khăn lắm chúng tôi mới leo lên được phần đỉnh núi, nơi có di tích cột cờ. Từ vị trí này nhìn toàn cảnh núi Lam Thành, chúng tôi không khỏi xót xa: Khu di tích lịch sử quốc gia bị đào bới tan hoang với nhiều hố lớn, hố nhỏ - kết quả của những lần chính quyền địa phương cho lấy đất đá đắp đê, làm đường cũng như khai thác quặng.
Ba lần quy hoạch, trùng tu vẫn chưa xong Thành cổ Vinh được xây dựng từ thời vua Gia Long. Đến thời vua Minh Mạng, thành được xây dựng mới bằng đá ong. Theo nhiều tư liệu, thành có 6 cạnh, dài 2.412 m, cao 4,42 m, diện tích 420.000 m2, bao quanh là hệ thống hào rộng 28 m, sâu 3,2 m. Để hoàn thành, ngay từ lúc khởi công, triều đình nhà Nguyễn đã huy động đến 5.000 lính ở Thanh Hóa và Nghệ An xây dựng. Đến thời vua Tự Đức, để tiếp tục nâng cấp thành Vinh, triều đình đã sử dụng 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía... Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An cho biết hiện nay, sau 3 lần quy hoạch, dự án trùng tu bảo tồn thành cổ Vinh vẫn chưa hoàn thành. Hiện thành này mới chỉ được trùng tu cửa Tả và cửa Tiền nhưng bị dư luận phản đối do đánh mất tính cổ kính vốn có; riêng cửa Hữu chưa trùng tu do không giải phóng được mặt bằng. Trong khu vực thành cổ Vinh có một số cơ quan và hơn 800 hộ dân sinh sống. Tình trạng người dân lấn chiếm, gây ô nhiễm diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác trùng tu bảo tồn di tích lịch sử cấp quốc gia này. |
Kỳ tới: Mỏi mòn đợi trùng tu
Bình luận (0)