Anh Vũ Ngọc Hồi (ngụ xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cho biết vào cuối tháng 3, anh được đội trưởng đội thi công của Chi nhánh Công ty CP Sông Đà 11 đang thi công công trình đường dây 220 KV Trực Ninh cắt đường dây 220 KV Ninh Bình - Nam Định là Nguyễn Văn Toán thuê máy trộn bê tông của anh để đổ bê tông cho 2 móng cột điện cao thế. Khối lượng bê tông đổ khoảng trên 600 m3. Anh Hồi đồng ý và gọi anh trai là Vũ Đức Thuận cùng đi làm.
Nghỉ làm vì thấy “thất đức”
Ngày 19-4, khi được gọi đến trộn bê tông, anh Hồi phát hiện bê tông đổ xuống khoang móng chỉ có một chút xi măng trộn đá sỏi, còn lại hầu hết là đất trộn qua loa rồi đổ xuống đế móng.
“Tôi đã đi đổ bê tông nhiều nơi nhưng chưa từng thấy kiểu làm nào lạ đời như thế. Tôi có ý kiến với ông Toán là không nên làm thế nhưng họ không nghe” - anh Hồi bức xúc.
Thấy việc làm trên là “gian dối, thất đức”, anh Hồi cho biết đã cùng anh trai xin nghỉ làm. Đến tháng 5, anh em họ tiếp tục thấy đội thi công làm cột điện thứ hai vẫn thi công theo cách cũ nên chụp ảnh, quay video làm bằng chứng rồi tố cáo đến báo chí.
“Tôi là một người dân làm nghề đổ bê tông nhiều năm nên biết bê tông mà trộn đất thì chẳng bao giờ bền vững. Không sớm thì muộn cột điện cũng đổ, hậu quả khôn lường nên không thể làm ngơ được” - anh Hồi chia sẻ và cho biết sau khi anh tố cáo, rất nhiều người tới gia đình anh nói bằng chứng và video mà các anh quay không phải tại trụ móng của cột điện cao thế mà họ đang thi công.
“Họ còn hướng dẫn tôi giải quyết sự việc trên bằng cách thừa nhận là ảnh và video quay là mô tả cảnh công nhân để các xe chở đất ở cạnh trụ, móng cột điện chứ không phải để đổ bê tông. Thậm chí, họ ghi rõ trong biên bản lập sẵn là sẽ bồi thường cho tôi và bảo ký nhưng tôi không ký” - anh Hồi kể.
Để khẳng định việc làm của 2 anh em là hoàn toàn chính xác, anh Hồi cho biết sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và sẵn sàng bỏ tiền thuê đơn vị độc lập kiểm nghiệm chất lượng công trình trụ móng cột điện cao thế 220 KV này.
Thừa nhận tố cáo có cơ sở
Trước sự việc trên, ngày 1-6, Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà 11 đã có thông cáo báo chí nêu rõ: Kiểm tra hiện trường cột số 1 và số 2 mà báo chí phản ánh đang nằm trong giai đoạn tạm dừng thi công, chờ phối hợp giải quyết với Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay (thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam), do tuyến đường dây đi qua đài dẫn đường bay, yêu cầu cần dịch chuyển để bảo đảm an toàn đường dẫn.
Thông cáo cũng cho biết đến nay, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Bắc chưa có văn bản cho phép đơn vị tiếp tục thi công phần móng vị trí số 1 và 2 đường dây 220 KV Trực Ninh cắt đường dây 220 KV Ninh Bình - Nam Định do đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để điều chỉnh đoạn tuyến nêu trên. Tuy nhiên, do thời gian chờ đợi và tập kết vật liệu đã lâu, kết cấu thép đã được lắp đặt, đồng thời do lo ngại móng đào sẽ sụt lở vì mưa bão có thể lấp hết cốt thép móng nên đội xây lắp số 12, do ông Nguyễn Văn Toán làm đội trưởng, đã tự ý thi công mà không được sự đồng ý của chủ đầu tư và không có giám sát của ban chỉ huy công trình. Đây là lỗi hoàn toàn của đội xây lắp.
Qua đánh giá ban đầu của Trung tâm Thí nghiệm - Công ty Tư vấn xây dựng Sông Đà, các mẫu bê tông khoan được tại hiện trường có nhiều mẫu không đạt yêu cầu, thậm chí chỉ đạt cường độ chịu lực 12-13 newton/mm2 trong khi theo yêu cầu phải lớn hơn 14 newton/mm2. Điều này chứng tỏ phản ánh của người dân là có cơ sở.
Căn cứ kết quả thí nghiệm, Công ty CP Sông Đà 11 đã kỷ luật cảnh cáo chỉ huy trưởng công trường, đội trưởng và 2 cán bộ kỹ thuật cùng giám đốc, phó giám đốc chi nhánh Sông Đà 11. Kỷ luật nghiêm khắc toàn đội thi công, đặc biệt là ông Nguyễn Văn Đương, chỉ huy trưởng công trình, vì vắng mặt tại thời điểm xảy ra sự việc.
Để khắc phục sai phạm, ngoài việc kỷ luật những người liên quan, công ty còn yêu cầu bồi hoàn toàn bộ chi phí, thiệt hại do họ gây ra; đồng thời sẽ lấy mẫu bê tông để kiểm định tất cả các cột trên toàn tuyến đường dây nhằm rà soát lại chất lượng.
Đóng điện vào quý I/2017
Đường dây 220 KV Trực Ninh cắt đường dây 220 KV Ninh Bình - Nam Định là đường dây 2 mạch, dài 29,437 km. Công trình được đầu tư xây dựng với mục tiêu khai thác công suất cụm nhà máy nhiệt điện Thái Bình và đáp ứng nhu cầu phụ tải của tỉnh Nam Định, tăng cường liên kết hệ thống điện quốc gia. Công trình do Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Bắc thay mặt chủ đầu tư quản lý, điều hành, Công ty CP Sông Đà 11 là đơn vị thi công. Dự kiến công trình đóng điện vào quý I/2017.
Bình luận (0)