Ngày 3-4, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã cho ý kiến về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự (dự luật BLHS).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, cho biết để bảo đảm môi trường trong lành cho người dân và tính khả thi của luật, Ủy ban Thường vụ QH tán thành cần phải hạ mức vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải và khí thải.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) góp ý không nên quy định về khối lượng hay mức xả thải vì thực tế rất khó xác định. “Như trong vụ Vedan hay Formosa, họ xả ngầm dưới nước thì làm sao xác định được khối lượng? Luật cần quy định xả thải có thông số môi trường nguy hại vượt chuẩn kỹ thuật quốc tế từ 3-5 lần chứ không nên quy định “xả thải từ 1.000-5.000 m3/ngày” bởi nếu doanh nghiệp xả thải vào đêm thì không thể tính được” - ông Phương ví dụ.
Theo ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp đang diễn biến phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng. “Như vụ Formosa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì vậy không chỉ phạt tiền mà còn bổ sung hình phạt khác. Xử lý nghiêm vi phạm này không chỉ định lượng về ô nhiễm môi trường mà còn căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi và quan trọng là căn cứ vào hậu quả thực tế xảy ra để xử lý hình sự” - ông Sơn kiến nghị.
Riêng về quy định xử lý hình sự đối với trẻ em, do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ QH xin ý kiến ĐBQH về 2 phương án. Phương án 1: Giữ nguyên như dự thảo do Chính phủ đã trình. Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”; “tội hiếp dâm” và “tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Phương án 2: Giữ như quy định của BLHS năm 2015. Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên.
ĐB Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, lập luận việc truy cứu trách nhiệm hình sự không có nghĩa là xử nặng vì hiện tội phạm là trẻ em rất phổ biến. Xử lý hình sự nhưng thông qua một số thủ tục thân thiện, chính sách hướng thiện có khi án tích lại nhẹ hơn.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu lại việc báo chí ngày 2-4 đã đồng loạt đưa tin Công an tỉnh Vĩnh Long đã xử lý vụ cháu bé 11 tuổi bị bố và ông nội xâm hại tình dục. “Gần đây đã có ý kiến thiến hóa học với tội phạm hiếp dâm trẻ em. Đề nghị nghiên cứu kỹ hình phạt này, nếu đủ sức răn đe thì nên nghiên cứu thực hiện” - ông Nhưỡng kiến nghị.
Bình luận (0)