Từ ngày 27-10 đến 1-11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội (QH) khóa XIII sẽ bước sang tuần làm việc thứ hai. Nội dung đáng chú ý của tuần làm việc này là ngày 1-11, QH sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng (NH) theo Nghị quyết 10/2011/QH13 của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Vi phạm pháp luật phải bị xử lý
Xung quanh báo cáo này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết: Theo Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI, việc tái cơ cấu nền kinh tế gồm 3 lĩnh vực là đầu tư công, DNNN và hệ thống NH. Trong 3 lĩnh vực này, chỉ có tái cơ cấu hệ thống NH, các tổ chức tín dụng là được thực hiện nhanh từ năm 2012.
Hai lĩnh vực còn lại mãi đến đầu năm 2013 mới có đề án tổng thể, đến giữa năm 2014 mới có Luật Đầu tư công được thông qua mà đề án tái cơ cấu đầu tư công cũng không rõ ràng, không có đề án riêng. Như vậy so với việc triển khai nghị quyết của Đảng sang các chương trình hành động cụ thể mất từ 2 đến 2 năm rưỡi là quá chậm.
Đánh giá về chất lượng, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng đã làm được một số việc. Cụ thể, khi phân loại được các tổ chức tín dụng thì đã xử lý được các tổ chức yếu kém. Cụ thể, đầu năm 2011, xác định 9 tổ chức tín dụng yếu kém thì đến nay cơ bản đã xử lý xong. Đối với các DNNN, đã phê duyệt gần như toàn bộ đề án cổ phần hóa. Vấn đề chỉ là triển khai thực hiện hợp lý và đẩy nhanh tiến độ.
Đề cập những vụ việc bắt giữ, khởi tố một số nguyên lãnh đạo NH, ông Kiên đánh giá: Chúng ta đang đi đúng hướng. Ở đây phải hiểu việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các tổ chức tín dụng có nghĩa là rà soát từ quy trình hoạt động, công tác thanh tra, giám sát... Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai sót. Từ những sai sót này, xác định nguyên nhân do cơ chế, chính sách thì sửa; do ý muốn chủ quan thì phải xử lý nghiêm. Vì vậy, việc một số người đứng đầu, lãnh đạo các NH có sai phạm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị xử lý là chuyện bình thường. “Ở các nước cũng có lãnh đạo tổ chức tín dụng bị bắt giữ, truy tố, phải bồi thường. Đây là việc bình thường trong một nền kinh tế” - ông Kiên nói.
Tái cơ cấu cần làm quyết liệt hơn
Để đẩy nhanh việc tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng hiện nay, chương trình hành động, chương trình tổng thể đã có, vấn đề là làm đúng và quyết liệt hơn. Đến năm 2014-2015 phải cơ bản hoàn thành tái cơ cấu nền kinh tế để tạo động lực mới. Theo đó, năm 2015 đặt ra nhiều việc cần phải tiếp tục thực hiện quyết liệt. Đối với đầu tư công, phải được thể hiện, lồng ghép ngay trong kế hoạch 5 năm 2016-2020. Đối với DNNN, phải kết thúc quá trình chuyển đổi, sắp xếp lại bộ máy để đến năm 2016 có thể ổn định đi vào sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, đối với các tổ chức tín dụng thì tiếp tục rà soát và cương quyết xử lý những tổ chức tín dụng có người đứng đầu lợi dụng vị trí công việc của mình để vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, mỗi tổ chức tín dụng, mỗi NH có đặc thù khác nhau nên cách làm, mục tiêu cũng khác nhau.
Nghe báo cáo về sân bay Long Thành
Trong tuần làm việc thứ hai này, QH sẽ nghe và thảo luận về các dự án luật như: Bộ Luật Dân sự (sửa đổi); Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Hộ tịch; Luật Căn cước công dân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi).
Đáng chú ý, vào ngày 29-10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng dự án sân bay Long Thành.
Trong tuần, QH cũng thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2014, nhiệm vụ năm 2015.
Bình luận (0)