Tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV, Chính phủ đã có báo cáo gửi QH về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016. Trong đó, đề cập đến hậu quả nghiêm trọng của sự cố môi trường tại miền Trung do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt Formosa) gây ra.
Dân chịu nhiều thiệt hại
Trong báo cáo, Chính phủ nêu rõ tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,52% (thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu cả năm 6,7%). Chính phủ đánh giá tốc độ tăng GDP đạt thấp có nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.
Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ sự cố ô nhiễm môi trường biển làm cá chết tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã gây hậu quả nghiêm trọng hủy hoại môi trường biển, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân mà còn tác động xấu đến phát triển các ngành sản xuất khác, đến xuất khẩu, du lịch…
Tính toán sơ bộ cho thấy sự cố ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100.000 người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc.
Thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng; diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha (tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch); trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống bị nhiễm độ mặn cao, môi trường suy giảm nên tôm chậm lớn, xuất hiện bệnh và có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác. Ngoài ra, có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000 m3), tương đương 140 tấn cá; 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết (tương đương 67 tấn); trên 10 ha nuôi cua bị chết do sự cố môi trường.
Cũng theo báo cáo, giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình từ 10%-20% so cùng kỳ năm 2015; việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh nói trên giảm sút nghiêm trọng. Cụ thể, sản phẩm khai thác ngoài 20 hải lý có giá bán giảm
30%-50%; sản phẩm khai thác trong 20 hải lý không tiêu thụ được. Hiện tại, Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn (chiếm 70% công suất kho lạnh toàn tỉnh)…
Hậu quả rất khó lường
Trả lời về việc Chính phủ, các cơ quan, địa phương cần phải ứng xử thế nào trước thiệt hại nặng nề về môi trường biển, tài nguyên thủy hải sản do Formosa xả thải để sớm ổn định tư tưởng, đời sống, sinh kế của nhân dân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH khóa XIII - bà Trần Thị Quốc Khánh - cho biết sau khi Formosa nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường 500 triệu USD, Chính phủ đã chỉ đạo dành số tiền này để tập trung hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Đây là việc làm trước mắt để phục vụ cho nhân dân. Sau đó, những thiệt hại về lâu dài thì cần phải được tính tiếp.
Bà Khánh cũng cho rằng pháp luật không có giới hạn nào quy định người nào trước đây khi còn đương chức làm sai, giờ không còn làm việc nữa thì không phải chịu trách nhiệm. “Vừa qua, Chính phủ có nói rằng sẽ xem xét lại trách nhiệm của từng người và nếu nó nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Mà nếu xem xét trách nhiệm hình sự thì sẽ xem xét trách nhiệm của từng người với mức độ sai phạm cụ thể để xử lý theo đúng quy định của Bộ Luật Hình sự” - bà Khánh nói.
Theo đại biểu tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương, qua hiện tượng Formosa dần dần hé lộ nhiều vấn đề khác. Điều đó chứng tỏ ở Formosa vẫn đang tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bức xúc cho người dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, tạo những hậu quả rất khó lường trong thời gian tới. Do đó, đoàn đại biểu QH tỉnh Quảng Bình sẽ có ý kiến phát biểu tại nghị trường phản ánh tình hình thực trạng Formosa đã gây ảnh hưởng đến môi trường và người dân như thế nào.
“Chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý nghiêm những người tiếp tay cho Formosa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm giải quyết dứt điểm các hậu quả của môi trường biển” - ông Phương cho hay.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Về việc thu mỗi hộ gia đình 50.000 đồng để làm sân hợp tác xã từ tiền hỗ trợ bồi thường tại tỉnh Quảng Bình được báo chí phản ánh thời gian vừa qua, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho hay sự việc ảnh hưởng đến uy tín địa phương, ảnh hưởng người dân trên địa bàn. “Tại một hội nghị của UBND tỉnh Quảng Bình, tôi đã nêu vấn đề phải kiểm soát tiền hỗ trợ, tránh tình trạng bớt xén của người dân, kê khai không đúng để hưởng lợi. Hiện đang có Nghị quyết 01 của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình nhằm xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra sai phạm như trên” - ông Phương nhấn mạnh.
Bình luận (0)