Phóng viên: Thưa trung tá, theo quy định thì loại xe nào được cho là không bảo đảm kết cấu, cần phải xử lý?
- Trung tá Huỳnh Trung Phong:
Những xe máy thay đổi kết cấu như màu sơn, khung, bánh, lốp, không biển số… sẽ được xử lý và tịch thu. Qua khảo sát, chúng tôi phân loại 2 đối tượng gồm những người sử dụng xe “mù” để chở hàng hóa và thanh thiếu niên thường xuyên độ xe để chạy nhanh, thay đổi màu sơn để đẹp hơn nhằm tụ tập đua xe trái phép.
Cả 2 đối tượng đều có hành vi né tránh, đặc biệt đối tượng thứ hai thường có sự chống đối, cản trở lực lượng chức năng. Theo ước tính hiện ở TP HCM có hàng ngàn phương tiện thay đổi kết cấu.
Thực tế theo luật thì những loại xe trên đã phải bị xử lý. Vậy đợt ra quân này có điểm gì nổi bật để người dân có thể tin là nạn xe “mù”, “xế độ” bị xử lý tận gốc?
- Phòng PC67 tiếp tục duy trì thành lập các tổ chuyên đề gồm cán bộ chiến sĩ CSGT phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, công an các quận huyện, phường, xã tiến hành tuần tra kiểm soát trên những tuyến đường tập trung ở khu vực có hoạt động mua bán hàng hóa như các chợ, khu đông dân cư, các tuyến đường lớn… Tuyệt đối không để phát sinh tình trạng tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng và đua xe trái phép.
Điểm nổi bật của đợt cao điểm lần này chính là công tác xử lý của lực lượng CSGT sẽ quyết liệt hơn trong khâu kiểm tra giấy đăng ký xe có đối chiếu với số khung, số máy thực tế của phương tiện đã bị tạm giữ. Trường hợp phát hiện có sự thay đổi số khung, số máy thì trưng cầu giám định tại Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự, lấy lời khai người điều khiển, chủ phương tiện, chuyển hồ sơ vụ vi phạm sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định.
Nhiều người cho rằng ngoài kiểm tra trên đường thì muốn dẹp xe “mù”, “xế độ”, lực lượng chức năng cần kiểm tra tại nhà, tại “lò” độ xe thì mới mong hiệu quả?
- Trong đợt ra quân lần này, ngoài kiểm tra trên đường, chúng tôi đã có kế hoạch kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, thống kê có bao nhiêu hộ gia đình đang sử dụng xe “mù”. Sau đó sẽ buộc họ ký cam kết chỉnh sửa lại hiện trạng phương tiện, đồng thời tiến hành xử phạt hành chính vì thay đổi kết cấu phương tiện giao thông.
Đặc biệt, bố trí các tổ công tác sử dụng camera ghi hình những nơi chuyên “độ” xe để phối hợp chính quyền địa phương tiến hành xử lý.
Giá trị những xe “mù” chỉ từ 1-3 triệu đồng/chiếc. Người điều khiển khi bị bắt họ sẽ bỏ luôn phương tiện. Vậy sao xử lý hình sự?
- Đây là nhóm đối tượng lao động làm thuê, họ hay xử lý tình huống bằng việc bỏ phương tiện. Chúng tôi sẽ xác minh chủ phương tiện, tiến hành thủ tục đăng báo xe mất cắp, giám định số khung, số máy. Nếu các phương tiện không bảo đảm giấy tờ sẽ tịch thu.
Mục đích tổ chức chuyên đề là kêu gọi người dân không vì mưu sinh mà bất chấp tính mạng của mình, để chúng ta có một TP văn minh, an toàn. Chuyên đề tổ chức hướng đến ý nghĩa nhân văn thay vì xử phạt lấy thành tích.
Các bãi giữ xe vi phạm luật giao thông hiện đã quá tải. Vậy làm thế nào để có đủ chỗ lưu giữ xe “mù”, “xế độ” thưa trung tá?
- Để chuẩn bị cho đợt ra quân này, chúng tôi đề xuất UBND các quận, huyện hỗ trợ cơ sở vật chất, kho bãi tạm giữ phương tiện vi phạm để phục vụ công tác xử lý. Tuy nhiên, ở đây cũng xin nói rõ, chúng tôi không mong muốn bắt tất cả trường hợp vi phạm khi điều khiển xe “cà tàng”. Chỉ mong người dân tự điều chỉnh trước vì sự an toàn tính mạng của mình, của người khác.
Như trung tá đã nói người sử dụng xe “mù”, “xế độ” có thể bị xử lý hình sự thông qua giám định. Như vậy có tốn quá nhiều thời gian hay không?
- Quy trình đưa đi giám định rất nhanh, không rườm rà, thủ tục xử lý cũng dễ dàng.
Còn về thời gian ra quân xử lý, chúng tôi vẫn chưa xác định thời gian ngưng, tạm thời hiện tại đặt mục tiêu đến dịp Tết Nguyên đán 2016 sẽ dẹp sạch xe “mù”, “xế độ”.
Gây tai nạn liên tục
Chiều 19-10, tại khu vực mua bán sau lưng chợ Bình Tây (quận 6, TP HCM), chúng tôi ghi nhận có trên dưới 40 chiếc xe chỉ còn mỗi bộ khung, không biển số lưu thông rầm rộ, trên xe chất đầy hàng hóa.
Hậu quả của xe “mù” chở đầy hàng hóa gây tai nạn khi lưu thông trên đường xảy ra khá nhiều. Cụ thể, ngày 12-9, một thanh niên điều khiển xe máy BKS 53V6 - 6911 với tốc độ khá nhanh trên đường Tam Bình, lúc đến khúc cua đoạn qua cầu Bình Phú vài trăm mét (địa bàn phường Tam Phú, quận Thủ Đức), thanh niên này lạc tay lái, tông trực diện vào xe máy BKS 52S3 - 8669 của một phụ nữ khiến cả 2 bị thương nặng.
Ngày 4-9, tại nút giao thông Lê Văn Sỹ - Trường Sa (quận 3), một thanh niên điều khiển xe “mù” băng qua đường và bất ngờ tông thẳng vào xe taxi đang dừng đèn đỏ. Vụ việc khiến người thanh niên bị thương nặng.
Ngày 12-8, một thanh niên điều khiển xe máy “độ”, không biển số, chở thịt heo và thịt bò xay đi giao cho khách. Khi đang lưu thông trên đường 3 Tháng 2, đoạn trước cổng Học viện Hành chính quốc gia TP HCM (quận 10), thì tông vào ô tô lưu thông hướng ngược lại. Rất may, người thanh niên nhảy xuống trước nên chỉ bị thương nhẹ...
L.Phong
Bình luận (0)