Vết nứt xuất hiện sau trận mưa lớn và lũ quét của hoàn lưu bão số 11. Theo quan sát, vết nứt có đoạn sâu tới 2m, bề rộng từ 0,5 đến 1m. Nguy hiểm nhất là vết nứt càng ngày càng rộng thêm. Chỉ cần có thêm trận mưa nữa thì nguy cơ sạt lở sẽ rất cao.
Chị Phan Thị Phượng, một gia đình đang sinh sống dưới chân núi Dầu, lo lắng: “Từ khi phát hiện ra vết nứt trên núi gia đình chúng tôi cứ thấp thỏm, ăn không ngon ngủ không yên giấc. Nếu không may lớp đất đá trên núi đổ ụp xuống thì hậu quả rất khó lường. Từ trước tới nay chưa bao giờ có tình trạng nứt trên núi như thế này”.
Ông Lê Quang Minh, trưởng thôn Thượng Tiến, cho biết: Chúng tôi nhận được tin xuất hiện vết nứt trên núi vào chiều ngày 18-10. Ban đầu chỉ là vết nứt nhỏ khoảng 20cm nhưng càng về sau vết nứt càng to dần và xuất hiện thêm nhiều vết nứt khác. Chỉ cần một cơn mưa lớn rất có thể hàng chục khối đất đá sẽ đổ xuống, rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của 10 hộ dân với 30 nhân khẩu đang sinh sống dưới chân núi Dầu”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Thọ, Chủ tịch UBND xã Đức Lạc, cho biết: “Ngay sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã báo cáo các cơ quan chức năng huyện Đức Thọ tiến hành kiểm tra, khảo sát, đồng thời cảnh báo người dân chủ động phòng tránh. Hiện tại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân xuất hiện các vết nứt trên. Nếu vết nứt vẫn rộng ra thì chúng tôi sẽ tiến hành sơ tán người dân đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản”.
Một số hình ảnh về vết nứt dài hơn 600m trên núi Dầu
Bình luận (0)