Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc các quận, thị xã của TP Hà Nội. Đây là dự thảo do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo.
Theo nội dung dự thảo, 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường trong thời gian từ 2021-2026. Thời gian chính thức bắt đầu thí điểm từ ngày 1-6-2021.
Tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường kết thúc nhiệm kỳ 2016-2021 vào 1-6-2021; UBND phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND nhiệm kỳ mới được thành lập.
Tại Tờ trình dự thảo, Bộ Nội vụ cho biết trong những năm gần đây, dân số Hà Nội trung bình mỗi năm tăng khoảng 1,8%; mật độ dân số trung bình lớn, dân cư phân bố không đều, mật độ dân số tập trung tại các quận khá cao (mật độ dân số trung bình của 12 quận là 11.220 người/km2) . Sự gia tăng dân số tại Thủ đô trên tạo ra áp lực lớn về hạ tầng kinh tế và các vấn đề xã hội cho TP Hà Nội.
177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND
"Mô hình quản lý hiện hành của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tự chủ, thiếu linh hoạt, khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị còn bất cập. Cơ chế, chính sách phân cấp giữa Trung ương và thành phố còn chưa phù hợp; một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn; giữa Thủ đô và các tỉnh, thành phố thuộc trung ương trong cả nước, không tạo được sự chủ động cho Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, yêu cầu để phát triển hội nhập của Thủ đô hiện đại, văn minh..." - Bộ Nội vụ nêu rõ.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng nhấn mạnh những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, giao thông, môi trường, an ninh trật tự... nêu trên đòi hỏi một cơ chế, chính sách hợp lý cũng như mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của Thủ đô.
Do vậy, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hà Nội nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền TP Hà Nội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới; đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân Thủ đô.
Mặt khác, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có các nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Thời gian thực hiện thí điểm từ năm 2009 đến năm 2015.
Về mục tiêu thí điểm, Bộ Nội vụ cho biết nhằm từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách, đổi mới chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn tại TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, việc thí điểm không tổ chức HĐND sẽ phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao tính minh bạch, năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền TP.
Cũng tại Tờ trình, Bộ Nội vụ nêu rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp của Hà Nội khi thực hiện thí điểm giữ nguyên như hiện nay. Đồng thời, rà soát để bổ sung, điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ còn bỏ sót, các nhiệm vụ chồng chéo giữa các sở, ngành của thành phố; tăng cường phân cấp, ủy quyền trong một số lĩnh vực từ thành phố cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; thực hiện các giải pháp để củng cố chính quyền nông thôn tại các xã, thị trấn thuộc các huyện và các xã thuộc thị xã Sơn Tây theo quy định của pháp luật.
Chính quyền tại các phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND, không tổ chức HĐND phường.
Về tổ chức UBND gồm có chủ tịch, từ 1-2 phó chủ tịch và các ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an. Các thành viên UBND do chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, điều động, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ.
UBND phường chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của UBND, chủ tịch UBND quận, thị xã; chịu sự giám sát của HĐND và đại biểu HĐND quận, thị xã; đồng thời, chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp phường.
Bình luận (0)