Hiện trường vụ sạt lở vùi lấp 11 người ở thôn 6, xã Phước Lộc
Sáng nay (30-10), tại trụ sở UBND huyện Phước Sơn, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp với Quân khu 5 để triển khai phương án cứu hộ cứu nạn các nạn nhân bị sạt lở đất vùi lấp ở xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn).
Ông Nguyễn Mạnh Hà chủ trì cuộc họp tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân bị sạt lở
Tại cuộc họp, Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn, cho biết hiện tại xã Phước Lộc có 2 điểm sạt lở vùi lấp tổng cộng 13 người, trong đó 5 người được tìm thấy, 8 người đang mất tích. Trong khi đó, tại công trình thủy điện Đak Mi 2 có 215 công nhân đang bị mắc kẹt, mất liên lạc. Vào chiều 29-10, một công nhân băng rừng ra trình báo hiện các công nhân an toàn nhưng đang bị thiếu lương thực.
Tuy nhiên, trên địa bàn các xã vùng cao của huyện bị sạt lở hết sức nghiêm trọng, chia cắt nhiều nơi, sông suối chảy xiết, cơ động bộ khó có thể tiếp cận được hiện trường.
Sạt lở ở Phước Lộc
Ban chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn, đề xuât tại điểm sạt lở thì lực lượng tại chỗ tìm kiếm, tăng cường lực lượng từ xã Phước Thành qua tìm. Đối với khu vực thuỷ điện Đăk Mi 2 tiếp tế lương thực bằng ròng rọc; 165 người ở đập chính không liên lạc được thì sử dụng cây to làm cầu để qua, phương án 2 có thể kiểm tra đường từ Đắc Choong, Đak Lây cơ động qua nhưng có 2 điểm sạt lớn. Phương án 3 là sử dụng trực thăng để cứu đói. Trung tá Nguyễn Trung Kiên đề nghị đặt sở chỉ huy tiền phương ở xã Phước Công.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam (được Tỉnh ủy Quảng Nam phân công chỉ đạo công tác cứu nạn ở Phước Sơn) cho biết sạt lở núi xảy ra ở khắp các xã vùng cao khiến không chỉ tính mạng mà nhà cửa của nhiều người dân ở các xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim bị chôn vùi. Hiện nay, một số địa phương lương thực đã hết, nguy cơ thiếu đói, thiếu muối, thiếu áo quần mặc. Ông Hà đặt vấn đề làm cách nào để đưa lương thực sớm cho người dân, cho các công nhân bị mắc kẹt ở thủy điện và cho rằng cần thiết phải đề nghị Bộ Quốc phòng triển khai đưa trực thăng để cứu trợ cho người dân.
Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu Trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết việc tiếp cận bằng đường bộ rất khó nhưng đường đường hàng không gặp khó khăn vì sương mù, ta cố gắng vào suối Nước Mắt và vượt qua dù khó để vào Phước Lộc.
Lực lượng tìm kiếm người mất tích tại điểm sạt lở xã Phước Lộc
Đại tá Nguyễn Hữu Thức, Phó Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, cho rằng nên khảo sát kỹ vị trí nào đóng quân, vị trí nào tập kết lương thực ở sở chỉ huy tiền phương? Không nhất thiết cử hết lực lượng đi, chỉ cần một tiểu đội để khảo sát những nội dung trên. Khắc phục thì 2 điểm sạt lở chủ yếu sử dụng lực lượng tại chỗ hoặc cơ động lực lượng Phước Thành sang. Đối với các công nhân ở thủy điện Đăk Mi 2, lo nhất 165 công nhân ở đập chính nếu không tiếp cận được bằng trực thăng, đường bộ không tiếp cận được thì phương án gì? Sơ tán ngay bằng cách nào?
Đại tá Trương Quang Nhạn, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5, cho biết 16 giờ 30 chiều 29-10 lực lượng đặc nhiệm Quân khu V đã vào thuỷ điện. Đường D1, D2 không đi được. Máy bay đi không được vì sương mù, đồi núi ở đây quá dốc dựng đứng, không đảm bảo an toàn. Tôi sẽ đề xuất Quân khu 5 nghiên cứu mở đường bộ từ Đắc Choong, Kon Tum xuống.
Hình ảnh sạt lở kinh hoàn ở Phước Lộc:
Hiện trường vụ sạt lở vùi lấp 11 người ở thôn 6, xã Phước Lộc
Bình luận (0)