Thông tin từ Cục CSGT (Bộ Công an), trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, từ ngày 23-1 đến ngày 29-1 (tức từ ngày 29 Tết đến ngày mùng 5 Tết), toàn quốc xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông, làm chết 133 người, làm bị thương 174 người.
So với 7 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí: giảm 24 vụ (giảm 10,8%), giảm 07 người chết (giảm 5%), giảm 38 người bị thương (giảm 17,9%).
Tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của 133 người, làm bị thương 174 người trong 7 ngày nghỉ Tết nguyên đán năm nay
Trong đó, trên tuyến giao thông đường bộ, địa phương có số người tử vong do tai nạn giao thông giảm nhiều là: Sóc Trăng (giảm 6 người chết), Kiên Giang (giảm 5 người chết), Bắc Giang (giảm 4 người chết), Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh, Nghệ An, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau mỗi nơi giảm 3 người chết.
Còn các địa phương có số người tử vong do tai nạn giao thông tăng cao là: Bến Tre tăng 05 người chết, Tây Ninh tăng 03 người chết, Đồng Nai, Phú Thọ, Tiền Giang mỗi nơi tăng 02 người chết.
Đáng lưu ý, trong 7 ngày nghỉ Tết, trên đường sắt không xảy ra tai nạn giao thông.
Được biết, qua khám nghiệm hiện trường, nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông do lái xe vi phạm nồng độ cồn có 04 vụ (chiếm 2%); vi phạm phần đường chiếm 18,4%; vi phạm tốc độ chiếm 6,8%; còn lại đang điều tra chưa rõ nguyên nhân.
Trong tổng số vụ tai nạn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết, các tuyến quốc lộ chiếm 50,7%; tỉnh lộ chiếm 18,8%; huyện lộ chiếm 10,2%; các tuyến khác chiếm 20,3%. Thời gian xảy ra tai nạn buổi sáng (từ 6h đến 12h): 18,2%; buổi chiều (từ 12h đến 18h): 35,1%; buổi tối đến sáng hôm sau (từ 18h đến 6h): 46,7%.
Trong 7 ngày nghỉ Tết, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 2 vụ, làm chết 6 người, cụ thể là vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Đắk Lắk vào ngày 29 Tết giữa xe mô tô chở 3 người đâm vào xe ô tô chở khách đi ngược chiều, làm chết 3 người trên mô tô và vụ tai nạn giao thông tại tỉnh Tây Ninh xảy ra ngày mùng 4 Tết, liên quan giữa 2 xe mô tô (một xe chở 02 người, một xe chở 1 người) chạy ngược chiều nhau, làm chết cả 3 người.
Tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương như: Hà Nội xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông, 5 người chết, 1 người bị thương (giảm 1 vụ, giảm 2 người chết, giảm 1 người bị thương); TP HCM: xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông, 8 người chết, 1 người bị thương (giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, số người bị thương không tăng, không giảm); Hải Phòng: xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông, 1 người chết (không tăng không giảm); TP Đà Nẵng: xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông, 2 người chết, 2 người bị thương (không tăng không giảm số vụ và số người chết, tăng 1 người bị thương); TP Cần Thơ: xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông, 2 người chết (giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, giảm 2 người bị thương).
Tai nạn giao thông nói riêng liên quan tới nồng độ cồn đã giảm sâu so với các năm trước
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng vừa báo cáo Chính phủ tổng hợp nhanh tình hình giao thông trước và trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Theo Bộ GTVT, qua số liệu thống kê 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng liên quan tới nồng độ cồn đã giảm sâu so với các năm trước.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông đã giảm 18,2% so với kỳ Tết Kỷ Hợi 2019, riêng ngày mùng 4 Tết giảm 23,5%.
Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm triển khai sau Tết Canh Tý, Bộ GTVT cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan chú trọng một số nhiệm vụ cụ thể như: Tăng cường phương tiện đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, nhân lực có chất lượng, các điều kiện về hậu cần để đảm bảo đủ năng lực phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đến các điểm Lễ hội, đặc biệt là các Lễ hội có tính chất quốc gia với thời gian kéo dài (Đền Hùng, Chùa Hương, Yên Tử, Núi Bà Đen, Thất Sơn, Bà Nà…).
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, bố trí lực lượng ứng trực, kịp thời tổ chức và bảo đảm giao thông thông suốt, thuận tiện cho du khách và nhân dân không để xảy ra ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông trong khu vực diễn ra các lễ hội.
Bố trí đủ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại sau Tết; kiểm tra, giám sát thường xuyên các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATGT như điều kiện an toàn của phương tiện, thời gian lái xe, chở đúng tải trọng, đúng số người quy định; đình chỉ hoạt động ngay các phương tiện không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và người điều khiển phương tiện không đáp ứng các quy định của pháp luật.
Các cảng hàng không sân bay, các hãng hàng không nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của hành khách, đặc biệt hành khách là người cao tuổi, người khuyết tật… có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến,...
Bình luận (0)