Từ 0 giờ ngày 19-7, cùng với TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện Chỉ thị 16, TP Cần Thơ và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang cùng thực hiện giãn cách xã hội trong 14 ngày.
Chủ tịch UBND TP HCM trao đổi với tiểu thương chợ Hạnh Thông Tây ngày 18-7. Ảnh: THANH LONG
Không để hàng hóa khan hiếm
Trong ngày 18-7, tỉnh Đồng Nai đã vượt mốc 1.000 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 với 1.060 ca.
Tỉnh Đồng Nai đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 3 cho các đối tượng thuộc diện ưu tiên tiêm chủng từ ngày 15 đến 30-7, dự kiến có hơn 24.5000 người được tiêm. Trong ngày, thêm một số doanh nghiệp (DN) tiếp tục tạm ngừng hoạt động để phòng dịch Covid-19 như Công ty CP Taekwang Vina (TP Biên Hòa), Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu)… Nhiều DN khác tiếp tục tổ chức xét nghiệm và bố trí nơi tạm lưu trú cho người lao động tại công ty.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 19-7. Riêng TP Vũng Tàu đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 14-7 đến hết ngày 27-7. Theo UBND tỉnh, tùy tình hình, chủ tịch UBND TP Vũng Tàu có thể tiếp tục kéo dài thực hiện giãn cách theo thời gian của các huyện khác hoặc có thể áp dụng theo quyết định của thành phố.
Tại tỉnh Bình Dương, đến trưa 18-7, ở các điểm bán hàng, lượng hàng hóa rất dồi dào, giá cả tăng nhẹ trong khi sức mua của người dân tăng khá cao so với bình thường. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường tại các huyện, thị xã, TP. Dự kiến số lượng gia súc, gia cầm sẽ cung ứng ra thị trường gồm: Thịt trâu, bò 2.250 tấn/tháng; thịt heo 7.500 tấn/tháng; thịt gia cầm 3.750 tấn/tháng; trứng gia cầm 40 triệu quả/tháng.
Về phương án cung ứng hàng hóa tại các DN ở Bình Dương, siêu thị MM Mega Market đã cung cấp 70% cho các DN ở các khu công nghiệp. Tại các khu dân cư, tổ chức theo hình thức bố trí xe bán hàng lưu động hoặc thiết lập các điểm bán hàng hóa thiết yếu bán trực tiếp cho người dân tại các điểm bưu cục và bưu điện văn hóa xã, phường, thị trấn, điểm bán hàng khi có nhu cầu tăng thêm do địa phương giới thiệu. Riêng các khu vực phong tỏa, địa phương chủ động sắp xếp nhận đơn hàng của người dân để bố trí lực lượng ra điểm bưu cục mua và nhận hàng thay thế người dân. Khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến.
Tại Tây Ninh, UBND tỉnh quyết định thực hiện Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 18-7 trên toàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương bảo đảm việc lưu thông hàng hóa, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa; xử lý nghiêm các hành vi gom, găm hàng, đầu cơ, nâng giá.
Một điểm bán hàng bình ổn giá tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: CA LINH
Hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông sản cho dân
Để chủ động phòng chống dịch trong thời gian tới, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu Sở Y tế tăng cường thực hiện truy vết, khử khuẩn, chuẩn bị cơ sở vật chất, hóa chất, sinh phẩm… phục vụ có hiệu quả việc phòng dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19. Bảo đảm tất cả các ca nhiễm phải được tiếp nhận, điều trị.
Sở Y tế Cần Thơ chỉ đạo các bệnh viện (BV) được giao điều trị bệnh nhân Covid-19 chuẩn bị đủ cơ số giường bệnh đã được duyệt, kích hoạt và điều hành hoạt động BV Dã chiến tại quận Bình Thủy. Sở phối hợp với BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ sẵn sàng đưa BV Dã chiến Trung ương đi vào hoạt động.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, khẳng định nguồn cung hàng hóa luôn dồi dào để phục vụ người dân. Tại quận Ninh Kiều và Cái Răng, do dân cư đông nên TP đã tổ chức thêm điểm bán hàng bình ổn giá bên cạnh các siêu thị. Có đơn vị cung cấp hẳn combo hàng cho những khu vực bị phong tỏa. TP Cần Thơ đang xem xét chợ truyền thống, chợ dân sinh nếu không có rủi ro ảnh hưởng do dịch bệnh thì cho hoạt động nhưng chỉ bán rau củ quả, thịt…
Ở Đồng Tháp, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết các chuỗi cung ứng chủ yếu vẫn được duy trì, các chợ truyền thống sẽ được thu hẹp để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh và giãn cách. Ngoài ra, các tổ chức chính trị xã hội, MTTQ được giao nhiệm vụ tổ chức các đội tình nguyện để hỗ trợ những gia đình khó khăn và trường hợp người dân có nhu cầu. Hiện trên địa bàn tỉnh có những mô hình hiệu quả như: Các đội hình tình nguyện của thanh niên, shipper áo xanh đi chợ giùm người dân, các tổ nhân dân tự quản...
"Tỉnh sẽ rà soát tổng thể nhu cầu cung ứng các nguồn nhu yếu phẩm, các vùng nông sản, các kênh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, đồng thời hoàn tất việc tạo các "luồng xanh", các điều kiện cần thiết để tạo sự thông thoáng, liên tục cho các tuyến xe chuyên chở hàng hóa và bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho người dân" - ông Lê Quốc Phong khẳng định.
Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16 cần linh hoạt xử lý cho phù hợp với điều kiện thực tế trên tinh thần ưu tiên phòng chống dịch, không cứng nhắc, máy móc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động có phương án hỗ trợ trong thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm nông sản của nông dân.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu và khám chữa bệnh sẽ được ưu tiên nhưng người điều khiển cũng phải có giấy giới thiệu từ nơi xuất phát. An Giang vẫn cho các chợ truyền thống hoạt động bình thường để hạn chế việc khan hiếm hàng hóa với mục tiêu giúp người lao động không phải gặp quá khó khăn trong cuộc sống.
Để kiểm soát dịch bệnh tốt nhất tại những chợ này, các địa phương thực hiện phân luồng bằng việc cấp phiếu đi chợ theo nguyên tắc mỗi gia đình chỉ đi mua sắm 3 lần/tuần. Bên cạnh đó, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo cho các địa phương thành lập ngay các chợ 0 đồng ở 156 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh từ nguồn huy động sức dân cung cấp gạo cùng các nhu yếu phẩm khác.
TP HCM: Kiểm soát người đi chợ bằng QR-Code
Sáng 18-7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng đoàn công tác đã khảo sát tại 3 chợ: Bình Thới (quận 11), Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), Ba Bầu (quận 12) để kiểm tra tình hình phòng chống Covid-19 và tổ chức kinh doanh ngành hàng thực phẩm tươi sống.
Chợ Bình Thới là chợ đầu tiên tại TP HCM quản lý khách hàng bằng thẻ ra vào chợ có tích hợp mã QR nhằm hạn chế tập trung đông người và giúp việc truy vết nhanh chóng nếu phát hiện ca lây nhiễm. Ông Nguyễn Thành Phong lưu ý đây là chợ liên phường, nếu khách vào quá đông thì có thể di chuyển một số sạp hàng ra bên ngoài, kẻ vạch trước chợ để bảo đảm giãn cách. Chủ tịch UBND TP HCM cũng yêu cầu quận 11 cùng Ban Quản lý chợ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên.
Theo Sở Công Thương TP HCM, tính đến ngày 17-7, TP có 188 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối ngưng hoạt động. Toàn TP HCM chỉ còn 46/237 chợ còn mở cửa bán hàng lương thực, thực phẩm cho người dân. Trong số này, 4 chợ đã khôi phục hoạt động sau thời gian thực hiện các công tác phòng chống dịch là chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Phú Thọ và chợ An Đông. Một số quận, huyện dự kiến mở các điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau củ quả tại chợ vào tuần sau. Một số chợ đang bán hàng trực tuyến qua Zalo và Fanpage của chợ.
Tại buổi cung cấp thông tin về cung ứng hàng thiết yếu cho người dân TP HCM trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 do Trung tâm Báo chí TP tổ chức ngày 18-7, thống kê từ Sở Công Thương cho biết TP HCM có 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Sở Công Thương đã kết nối với nhiều đơn vị để tổ chức các điểm bán hàng bình ổn lưu động nhằm giúp người dân nghèo, khó khăn, người dân tại các khu cách ly, vùng phong tỏa. Đến ngày 17-7, toàn TP đã tổ chức được 388 điểm bán.
Sở Công Thương TP HCM đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống, như: thí điểm mô hình "App đặt lịch đi chợ dành cho người dân" tại chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12); mô hình "Tổng đài đặt lịch đi chợ" tại chợ Bình Thới (quận 11).
Trong khi đó, đến nay, TP HCM đã có hơn 500 doanh nghiệp tự tổ chức hoạt động bảo đảm các điều kiện an toàn theo "3 tại chỗ" với gần 80.000 lao động.
Bình luận (0)