Đại diện các sở, ngành, cơ quan bảo trợ xã hội (BTXH) của 63 tỉnh, thành đã về dự hội nghị đánh giá công tác BTXH năm 2017, triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, do Cục BTXH thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ngày 8-3.
Các đại biểu dự hội nghị công tác bảo trợ xã hội
Báo cáo của Cục BTXH cho biết hiện nay, số người cần TGXH trên cả nước rất lớn, khoảng 22,5 triệu người, chiếm 25% dân số. Trong đó có trên 10 triệu người cao tuổi không có lương hưu; 7,6 triệu người khuyến tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đó là chưa 2,9 triệu hộ nghèo và cận nghèo, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ cấp hằng tháng; khoảng 254.000 người nhiễm HIV/AIDS, hơn 200.000 người nghiện ma túy, 30.000 nạn nhân bạo hành gia đình và nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, xâm hại cần được BTXH.
Về kết quả thực hiện, trong năm 2017, cả nước đã trợ cấp hằng tháng và cấp thẻ BHYT cho gần 2,7 triệu người. Trong đó có hơn 1,5 người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp BHXH; 1,1 người khuyết tật; gần 33.000 trẻ mồ côi bị bỏ rơi, không người nuôi dưỡng; hơn 5.000 người nhiễm HIV/AIDS và gần 98.000 người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục BTXH, cho rằng công tác BTXH đang đứng trước áp lực rất lớn, nhất là tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu làm gia tăng số đối tượng cần TGXH. Dự báo đến năm 2025, số đối tượng thuộc diện được trợ cấp thường xuyên tăng lên trên 3 triệu người. Trong khi đó, cùng với thiên tai, còn nhiệu hạn chế, vướng mắc ảnh hưởng đến công tác BTXH, bảo đảm ASXH, như mức trợ cấp dành cho các đối tượng theo quy định hiện hành còn thấp so với mức sống tối thiểu; nguồn lực, kinh phí bố trí cho các chương trình, chính sách TGXH còn ít; nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác này.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng bảo trợ xã hội là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách an sinh xã hội
Chủ trì hội nghị, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đánh giá cao một số địa phương lam tốt công tác BTXH, triển khai các mô hình, chính sách TGXH như Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM, Bình Phước, Bến Tre, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Nội.
Theo bà Lan, BTXH là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách ASXH, được Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm: Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm ASXH, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách người có công; nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân... Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 cũng nêu rõ: Nâng cao hiệu quả công tác TGXH; tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng cao mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước; xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội.
Trước áp lực gia tăng đối tượng cần BTXH, nhằm quán triệt chủ trương của Đảng, nhà nước trong việc chăm lo cho đối tượng này, bà Lan cho rằng cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách. Với 13 nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm 2018, trong trách nhiệm của mình, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tập trung xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, văn bản pháp quy, trong đó có việc hoàn thiện dự thảo Luật Công tác xã hội trình Quốc hội thông qua; phối hợp với các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng phê duyệt đề án "Phát triển y tế lao động xã hội đến năm 2030; triển khai đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách ASXH đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030".
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH giao Cục BTXH thực hiện quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở TGXH; nghiên cứu xây dựng kế hoạch cấp sổ ASXH, thẻ ASXH điện tử cho người dân áp dụng chung trên cả nước.
Bình luận (0)