Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, vừa ký văn bản chỉ đạo UBND huyện Cát Tiên tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
Hồ Bê Đê (xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên) - nơi xảy ra vụ đuối nước làm 3 người tử vong vào ngày 22-6. Ảnh Q.S.
Theo ông Phạm S., UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt về công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Tuy nhiên, ngày 22-6-2023, tại xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên xảy ra vụ đuối nước làm 3 người tử vong, trong đó có 2 trẻ em.
Do đó, UBND tỉnh phê bình Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên và Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng vì triển khai chưa quyết liệt, đầy đủ các biện pháp phòng, chống đuối nước, để xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em trên địa bàn.
Trước đó ngày 22-6, chị L.T.H (29 tuổi; ngụ thôn Tân Xuân, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên ) cùng con trai Đ.Đ.V (10 tuổi) và cháu họ Đ.G.B. (16 tuổi) đến hồ thủy lợi Bê Đê (xã Đồng Nai Thượng) chơi. Cháu V. không may trượt chân rơi xuống hồ. Chị H. và cháu B. bơi ra cứu nhưng do nước hồ rất sâu nên cả 3 người bị đuối nước tử vong.
Trong hơn một tháng qua, tính từ ngày 20-5 đến nay, tỉnh Lâm Đồng liên tiếp xảy ra 5 vụ đuối nước tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng và TP Bảo Lộc khiến 6 trẻ em (có độ tuổi từ 4 đến 7) tử vong.
Giữa tháng 6 vừa qua, vài ngày trước khi xảy ra vụ việc 3 trẻ tử vong do đuối nước ở huyện Cát Tiên, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Trong đó, tăng cường công tác phòng, chống đuối nước, không để xảy ra các trường hợp đuối nước ở trẻ em trên địa bàn.
Lãnh đạo UBND TP Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng trẻ em chết đuối.
Bình luận (0)