Đó là thông tin được Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra tại hội nghị đánh giá tình hình hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đề xuất giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP tổ chức chiều 19-10.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết hiện nay trên cả nước có 271/288 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) với 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động, với công suất phục vụ số lượng phương tiện đến kiểm định trung bình đạt yêu cầu tối thiểu một tháng 626.400 phương tiện (trong khi số lượng phương tiện kiểm định ở tháng cao nhất trong thời gian tới (tháng 7-2024) là 503.276 phương tiện.
Với công suất kiểm định hiện nay thì hệ thống đăng kiểm xe cơ giới (XCG) hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc trong các tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024.
Tuy nhiên, do việc phân bố mật độ các TTĐK không đồng đều về mặt địa lý dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa nên dự báo trong thời gian sắp tới, khi các phương tiện được tự động gia hạn kiểm định theo chu kỳ mới cùng với lượng phương tiện tạm dừng hoạt động trước đây thực hiện kiểm định trở lại sẽ khiến tình trạng ùn tắc có nguy cơ tái diễn tại 11 địa phương, gồm: Bình thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, TP HCM và Trà Vinh.
Ngoài ra, hiện có khoảng 700 đăng kiểm viên (ĐKV) tại các TTĐK bị khởi tố, trong đó một số đơn vị hầu hết ĐKV bị khởi tố. Trong đó, gần 300 ĐKV bị khởi tố, được tại ngoại, đã và đang tham gia hỗ trợ tích cực cho hoạt động kiểm định xe cơ giới, lượng lớn ĐKV khác xin nghỉ việc và tự ý bỏ việc.
Những ĐKV này, thời gian tới khi vụ án được đưa ra xét xử, có bản án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới thì Cục Đăng kiểm Việt Nam buộc phải thu hồi chứng chỉ ĐKV (theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP).
Trong số 300 ĐKV bị khởi tố nêu trên đang làm việc tại 81 TTĐK của 31 tỉnh, thành phố (không tính đến số lượng ĐKV bị khởi tố, tạm giam trong số 17 TTĐK đang dừng hoạt động) khi bị đưa ra xét xử sẽ có 21 TTĐK của 9 tỉnh, thành phố bị dừng hoạt động (tại: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Thái Nguyên và TP HCM). Trong đó có những tỉnh, thành phố không còn TTĐK hoạt động như: Bắc Kạn, Hòa Bình và một số tỉnh, thành phố không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp như: Hà Nội, Nghệ An và TP HCM.
Chưa kể, theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 30/2023, trường hợp TTĐK có từ 2 ĐKV trở lên bị thu hồi chứng chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong thời gian 3 tháng.
Như vậy, sẽ có 69 TTĐK tại 24 tỉnh, thành phố buộc phải tạm dừng hoạt động và sẽ ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương này nếu không có phương án chủ động sắp xếp. Trong đó có những tỉnh, thành phố không còn TTĐK hoạt động như: Hòa Bình, Thái Bình hoặc còn rất ít TTĐK hoạt động như: Hà Nội, TP HCM và Thừa Thiên-Huế.
Bình luận (0)