Ngay sau khi có quyết định thành lập, 13 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 đã lên tàu vượt sóng ra bãi san hô ngầm Phúc Tần để đo độ sâu, xúc tiến việc "dựng nhà giàn giữa biển". Nhà giàn đầu tiên được "cắm" trên bãi cạn Phúc Tần mang phiên hiệu DK1/3 cuối năm 1989 (tên dân sự là Phúc Tần 3). Từ năm 1990-1995, 19 nhà giàn khác được xây dựng trên các bãi cạn Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên, Cà Mau (DK1/10) tạo thành "vành đai thép" trên biển.
Xây dựng trên các bãi san hô ngầm trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên phải đối mặt sóng to, gió lớn, bão tố, 5 nhà giàn đã bị sóng đánh chìm ở các năm 1990, 1992, 1998. Có 11 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, trong đó có 6 cán bộ, chiến sĩ không tìm thấy thi thể.
Chào cờ Tổ quốc ở nhà giàn DK1
Hiện nay có 15 nhà giàn tạo thành "tiền đồn thép" trên 6 bãi san hô ngầm ở các cụm: Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính, Cà Mau với các tên gọi đặc biệt là: DK1/2, DK1/7, DK1/8, DK1/9, DK1/10, DK1/11, DK1/12, DK1/14, DK1/15, DK1/16, DK1/17, DK1/18, DK1/19, DK1/20, DK1/21.
Trải qua 32 năm, từ nhà giàn đầu tiên với 13 cán bộ, chiến sĩ, đến nay, Tiểu đoàn DK1 đã phát triển lên 15 nhà giàn với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và trở thành một lực lượng độc lập nằm trong đội hình chiến đấu quan trọng của Vùng 2 Hải quân. Cán bộ, chiến sĩ ở nơi ấy đang ngày đêm trực chiến, canh giữ vùng biển, phát hiện và báo cáo kịp thời hàng ngàn lần mục tiêu tàu thuyền, máy bay về sở chỉ huy. Cùng với các lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư và các lực lượng Hải quân của Vùng 2, họ bảo vệ vững chắc vùng biển được quản lý.
32 năm qua, thế hệ cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 đã thầm lặng hy sinh, cống hiến, bảo vệ vững chắc chủ quyền thềm lục địa phía Nam thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng là đơn vị anh hùng của Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ đổi mới.
Bình luận (0)