Phóng viên: Khi quân đội Khmer Đỏ phản bội dân tộc, chiếm quyền kiểm soát đất nước vào ngày 17-4-1975, nhân dân Campuchia đã phải chịu nỗi thống khổ ra sao, thưa ngài?
- Đại tướng NEANG PHAT: Hơn 3 triệu người đã bị quân Khmer Đỏ tước đoạt mạng sống bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, còn có nhiều tài liệu, sách báo viết về tội ác của chế độ diệt chủng. Hiện nay, nhiều hình ảnh vẫn còn lưu giữ, trưng bày trong nhà bảo tàng tội ác Khmer Đỏ ở thủ đô Phnom Penh.
Bản thân ngài đã từng trải qua trong chế độ Khmer Đỏ như thế nào?
- Đầu những năm 1970, tôi học ở thủ đô Phnom Penh và sống trong vùng giải phóng. Khi Khmer Đỏ lên nắm quyền vào ngày 17-4-1975, tôi trở về quê và bị chúng bắt ép làm lao động. Năm 1977, tôi bị giam trong một nhà tù gần biên giới Việt Nam. Khi thấy lính Pol Pot giết hại hàng ngàn tù nhân, tôi cùng một người bạn nhốt chung xà lim tìm cách vượt ngục. Sau 3 ngày đêm băng rừng, cho đến một sáng sớm, tôi thấy bộ đội Việt Nam đang chiến đấu tại khu vực giáp biên giới nên chạy vào lãnh thổ Việt Nam và được các anh chăm sóc, điều trị bệnh. Sau đó, tôi được gia nhập bộ đội đặc công dưới sự chỉ huy của ông Samdech Techo Hun Sen, góp phần giải phóng đất nước Campuchia.
Đại tướng Neang Phat xúc động trước bức ảnh cùng đồng đội năm xưa Ảnh: NGUYỄN HIỆP
Ngài có thể chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tham gia Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia trong thời kỳ đó?
- Tôi là một trong 12 chiến sĩ đặc công (gồm 6 chiến sĩ Campuchia và 6 chiến sĩ Việt Nam) hoạt động trong vùng kiểm soát của Khmer Đỏ. Khi đó, ông Samdech Hun Sen là người lãnh đạo các lực lượng vũ trang của Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia đấu tranh giải phóng đất nước. Niềm tin về sự sống trong thời kỳ Khmer Đỏ là rất ít nhưng chúng tôi đều ý thức rằng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ là điều có ý nghĩa. Do đó, tôi luôn tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên, kề vai sát cánh chiến đấu cùng các bạn Việt Nam cho tới ngày giành được chiến thắng 7-1-1979. Để có được ngày đó, chúng ta đã trải qua muôn vàn khó khăn không thể kể hết được.
Thưa ngài, trong đội đặc nhiệm đó, các chiến sĩ Campuchia và đồng đội Việt Nam đã sống và chiến đấu như thế nào?
- Chung một chiến hào, chúng tôi đoàn kết, quý mến, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoạt động. Tiếc thay, trong lúc đến sát thủ đô Phnom Penh thì xảy ra đụng độ giữa đơn vị ta với quân Khmer Đỏ. Trong trận chiến ấy, chúng ta mất 7 người, trong đó các bạn Việt Nam hy sinh 3 chiến sĩ, phía Campuchia hy sinh 4 chiến sĩ.
Sự hy sinh của các chiến sĩ vì sự nghiệp giải phóng Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng là vô bờ bến. Ngày nay, cả thế giới phải công nhận điều đó là sự thật. Vậy mà khi Việt Nam đưa quân tình nguyện sang giúp Campuchia giải phóng đất nước lại có ý kiến của nước ngoài cho rằng Việt Nam xâm lược, ngài thấy thế nào về vấn đề này?
- Chúng ta phải hiểu rõ về chuyện này vì quân đội Việt Nam không tự ý sang Campuchia. Chúng tôi xác nhận bộ đội Việt Nam lúc đó vào lãnh thổ Campuchia là để thực hiện nhiệm vụ cùng với Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia làm cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ dưới sự chỉ huy của 3 nhà lãnh đạo Campuchia, gồm: Samdech Heng Samrin, Samdech Chea Sim và Samdech Hun Sen.
Sau ngày giải phóng 7-1-1979, Khmer Đỏ chưa tan rã hoàn toàn nên bộ đội Việt Nam vẫn còn ở lại để giữ gìn thành quả chiến thắng, ngăn chặn không để chế độ diệt chủng tàn bạo này quay trở lại. Đến năm 1989, bộ đội Việt Nam rút quân về nước. Chính phủ, nhân dân và quân đội Campuchia đã trang trọng tổ chức lễ tiễn đưa đầy tình cảm lưu luyến đối với quân tình nguyện Việt Nam, người bạn đã từng kề vai sát cánh chung một chiến hào, chiến đấu đem lại hòa bình cho đất nước Campuchia.
Chế độ diệt chủng tàn bạo Khmer Đỏ là một bài học cảnh giác đối với nhân loại. Ngài đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử 7-1-1979?
- Nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ ngày 7-1, coi đó là ngày sinh lần thứ hai của mình. Nhà nước cũng lấy ngày này làm ngày nghỉ lễ toàn quốc. Có ngày 7-1 này là nhờ Campuchia có người anh hùng Samdech Techo Hun Sen đã giúp cho đất nước và người dân Campuchia được hồi sinh, phát triển cho đến ngày nay. Tuy nhiên, tất cả đều có sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ phía Đảng, nhà nước, nhân dân và quân đội Việt Nam giúp đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, mở ra trang sử mới ngày 7-1-1979.
Trong những chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen thường gặp gỡ thân mật những gia đình có người thân hy sinh và các cán bộ, chiến sĩ từng tham gia kháng chiến tại Campuchia. Những điều ấy góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước; đồng thời giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới.
Bình luận (0)