Sáng 15-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức lễ công bố trực tuyến bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020.
Quảng Ninh dẫn đầu, TP HCM giữ hạng 14
Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết năm 2020 tiếp tục ghi nhận Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm thứ 4 liên tiếp với 75,09 điểm (tăng 1,69 điểm so với năm 2019). Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.
Ba vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Đồng Tháp, Long An và Bình Dương, nhờ những thay đổi tích cực trong các chỉ số thành phần. Xếp kế tiếp trong tốp 10 là Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh. Xếp ở vị trí cuối cùng là Bạc Liêu (59,61 điểm). Mức điểm này là "tương đối thấp" và ở cùng nhóm cuối với Bạc Liêu có Kiên Giang, Hà Giang. TP HCM đứng ở vị trí 14 với 66,7 điểm, bằng thứ hạng năm 2019.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh đánh giá khoảng cách điểm số giữa tỉnh, TP có kết quả PCI cao nhất và thấp nhất tiếp tục được thu hẹp. Các địa phương thuộc nhóm thấp trong bảng xếp hạng đang có những nỗ lực vượt bậc để thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, kết quả PCI trong những năm qua cũng cho thấy một số xu hướng quan trọng rất đáng lưu ý trong chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương. Theo đó, trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp (DN) Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. Thực tiễn cho thấy các địa phương đã năng động, tích cực hơn trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN; chi phí không chính thức tiếp đà giảm; cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.
Bình luận về kết quả PCI năm 2020, ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho rằng chi phí không chính thức giảm đáng kể, đó là kết quả tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam. Ông cũng nhìn nhận Việt Nam đã có nhiều kết quả khởi sắc trong việc cải thiện thủ tục hành chính, điển hình là thủ tục về hải quan. Trong bối cảnh dịch Covid-19, Việt Nam đã hỗ trợ DN để vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nói về việc Quảng Ninh lần thứ 4 liên tiếp dẫn đầu về điểm số PCI, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển bền vững.
Kết quả xếp hạng PCI 2020 của 63 tỉnh, thành
Doanh nghiệp chưa thể yên lòng
Báo cáo PCI năm 2020 cho thấy bên cạnh những tiến bộ về cải cách thủ tục hành chính thì một số lĩnh vực bị DN cho là vẫn còn phiền hà, "chưa thể yên lòng".
Theo kết quả điều tra PCI, cứ trong 4 DN thì có 1 DN cho rằng địa phương ưu ái các DN nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân. Cứ 3 DN thì có gần 1 DN cho rằng chính quyền còn ưu ái cho DN FDI. Vẫn còn 40% DN chưa sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế. Gần 45% DN cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức. 54% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn. 20% DN đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% DN phản ánh mỗi năm họ bị thanh tra, kiểm tra quá 5 lần.
Từ kết quả điều tra PCI, nhóm nghiên cứu cho rằng chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch, bình đẳng của môi trường kinh doanh; nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở; nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra....
Theo ông Đậu Anh Tuấn, PCI năm 2020 đã chỉ ra con số khá bất ngờ về việc thanh tra, kiểm tra khi DN cho biết giảm khoảng 50% các cuộc tiếp đón đoàn thanh tra, kiểm tra của một số cơ quan như hải quan, công an kinh tế, môi trường so với năm 2016. Cụ thể, năm 2020, tỉ lệ DN bị cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra là 35,5%, trong khi năm 2016 tỉ lệ này ở mức 43,6%.
Dù vậy, đại diện VCCI khuyến nghị công tác thanh tra, kiểm tra DN cần phải tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Việc thanh tra, kiểm tra cũng cần thực hiện một cách hợp lý và phù hợp với các mục tiêu về sức khỏe và an toàn cộng đồng, đồng thời không mang tính tùy tiện hoặc tạo kẽ hở cho tiêu cực.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp
Kết quả điều tra PCI năm 2020 cho thấy niềm tin kinh doanh do tác động của đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh tại thời điểm năm 2020. Chỉ có 41% DN cả tư nhân trong nước và FDI dự kiến mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, giảm hơn 10 điểm % so với năm 2019.
Theo VCCI, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của DN trên diện rộng, làm sụt giảm doanh thu, lợi nhuận. Các DN phải cắt giảm lao động, ở khối DN tư nhân là 35% và DN FDI là 22%. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước với DN để vượt qua đại dịch có tác động trên thực tế không đồng đều; một số chính sách có hiệu ứng thực tiễn cao như giãn nộp thuế, gia hạn tiền thuê đất.
Bình luận (0)