Qua những trường hợp như thế, người dân sẽ thấy được cụ thể tác dụng của nguồn quỹ BHYT mà không một phương cách tuyên truyền nào hữu hiệu hơn. Thế nhưng, những trường hợp trên khá cá biệt và bản chất của BHYT chính là chia sẻ rủi ro với số đông: Mọi người vì mỗi người, mỗi người vì mọi người. Đặc biệt, đối với những quốc gia còn nghèo, thu nhập của người dân còn thấp, nguồn quỹ này sẽ giúp số đông người thiếu may mắn vượt qua nghịch cảnh về bệnh tật.
Trong một hội thảo về y tế cách đây chưa lâu, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định chưa kể chi phí ăn ở, đi lại, hiện người dân Việt Nam vẫn phải tự chi khoản tiền lớn cho các dịch vụ y tế trực tiếp... Tỉ lệ tiền túi của người dân khi đi khám chữa bệnh chiếm tới hơn 40%. Rất nhiều gia đình sẽ khánh kiệt nếu có người bị bệnh nặng.
Thế nhưng, thực tế người dân còn kêu than nhiều về cách vận hành của nguồn quỹ BHYT hiện nay. Danh mục thuốc được sử dụng hạn chế, chi phí đồng chi trả quá lớn, nhiều dịch vụ y tế quan trọng không được thực hiện, tình trạng trục lợi BHYT diễn ra thường xuyên... Chính ngành y tế cũng bức xúc trước tình trạng nhiều khoản chi cho khám chữa bệnh bị siết chặt quá mức, những loại thuốc và dịch vụ y tế rất cấp thiết đối với sức khỏe bệnh nhân được sử dụng nhưng cơ quan BHXH (quản lý quỹ BHYT) không chi tiền, khiến bệnh nhân khốn đốn.
BHYT là nguồn quỹ chi hằng năm chứ không phải là quỹ tích lũy như BHXH. Số thu hằng năm, sau khi trích khoản dự phòng, chi phí vận hành sẽ phải được chi hết cho người bệnh. Số chi càng lớn thì người bệnh hưởng được lợi ích càng nhiều. Không có lý do gì cơ quan quản lý quỹ này cứ khư khư ôm số dư đến 49.000 tỉ đồng như hiện nay, trong khi người bệnh cứ khốn khổ.
Tất nhiên, cơ quan BHXH có đầy đủ lý do để bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng với lý do gì thì cũng không thể giải thích cho người bệnh thỏa mãn về khoản kết dư khổng lồ kia. Tiền nằm trong két của BHYT thì chỉ đơn thuần là tiền, khi được đưa vào hệ thống y tế sẽ trở thành sức khỏe, sinh mạng và là niềm hy vọng của hàng vạn người. Tiền còn nằm đó thì nỗi khốn khổ của người bệnh vẫn còn đó. Người dân đòi hỏi nguồn quỹ này được bảo tồn bằng cách chi hợp lý, triệt tiêu sự lạm dụng, xà xẻo chứ không phải bằng cách siết chặt quyền lợi và xem đây như một sự ban phát.
Tranh cãi gay gắt giữa ngành y tế và BHYT về quyền lợi của người bệnh là điều cần thiết nhưng không thể cứ tranh cãi hoài hết năm này qua năm khác, kéo dài cả thập kỷ. Sinh mạng người bệnh không thể chờ đợi, họ có thể ra đi bất cứ lúc nào trong khi quyền lợi mà lẽ ra họ được hưởng cứ mãi nằm trong két của cơ quan chức năng và trong sự bất cập thu - chi quỹ BHYT.
Bình luận (0)