Các bác sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nỗ lực từ những ngày đầu tiên để gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trạng thái tốt nhất - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giớit. Người tượng trưng cho những giá trị cao đẹp nhất của tâm hồn, ý chí, nhân cách Việt Nam; là tấm gường sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng; là hình ảnh gần gũi giữa lãnh tụ và nhân dân.
Theo thiếu tướng Cao Đình Kiếm - Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết nghị: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người".
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Phó chủ tịch nước, Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với chuyên gia Y tế Liên Xô sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời- Ảnh: Tư liệu
Nhiệm vụ thiêng liêng đó được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao cho Quân đội mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của đơn vị nối tiếp nhau trung thành tuyệt đối, đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, với tinh thần cao, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội tin cậy giao phó.
Tổ y tế đặc biệt 6 người và quyết định tuyệt mật của Bộ Chính trị
Về công tác chuẩn bị, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và khánh thành Lăng Bác, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết vào tháng 5-1967, sau sinh nhật lần thứ 77 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khỏe của Bác có dấu hiệu giảm sút. Bộ Chính trị đã họp phiên bất thường do Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn chủ trì, để bàn việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Người và chuẩn bị cho việc gìn giữ lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch khi Người đi vào cõi vĩnh hằng.
Tổ y tế đặc biệt chụp ảnh với các chuyên gia Liên Xô ở Viện Nghiên cứu Lăng Lê-Nin năm 1967 - Ảnh: Tư liệu
Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng, đó là: Phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, nếu không nhân dân sẽ lo lắng và Bác sẽ phê bình, không đồng ý cho triển khai thực hiện chủ trương này.
Đồng thời phải chọn ngay một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài. Bộ Chính trị nhất trí giao Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đảm nhiệm.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã quyết định triệu tập 3 người: thiếu tá - bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, chủ nhiệm khoa giải phẫu bệnh lý Quân y viện 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, chủ nhiệm khoa nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, chủ nhiệm khoa ngoại Bệnh viện Việt - Xô, sang Liên Xô học tập kỹ thuật ướp bảo quản thi hài. Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền được chỉ định làm tổ trưởng.
Sau 7 tháng miệt mài học tập, các cán bộ trong đoàn đã nắm vững những kiến thức chuyên môn, ngày 7-4-1968 khóa học kết thúc, 3 bác sĩ trở về Tổ quốc.
Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm Bác những ngày Bác ốm năm 1969 - Ảnh tư liệu
Tháng 6-1968, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban Tổ chức Trung ương quyết định thành lập Tổ y tế đặc biệt thuộc biên chế của Quân y viện 108 và điều động các bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Lê Điều vào quân đội tham gia Tổ y tế đặc biệt.
Tổ thuộc biên chế của Quân y viện 108 khi đó gồm 6 bác sĩ: thiếu tá Nguyễn Gia Quyền, đại úy Lê Ngọc Mẫn, thượng úy Lê Điều, thiếu úy Nguyễn Văn Châu, y sĩ Nguyễn Trung Hát, y tá Phạm Ngọc Ảm. Bác sĩ Quyền được Ban Tổ chức Trung ương chỉ định là tổ trưởng. Tổ y tế đặc biệt đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng.
Quang cảnh lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quảng trường Ba Đình lịch sử
Cùng lúc với việc thành lập Tổ y tế đặc biệt và khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị về y tế, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo khẩn trương xây dựng một công trình bí mật (mang mật danh 75A) ở ngay sau nhà tang lễ Quân y viện 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Bác. Công trình được xây dựng xong vào cuối năm 1968.
Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định Quảng trường Ba Đình sẽ là nơi tổ chức lễ tang khi Bác từ trần và Hội trưởng Ba Đình sẽ là nơi quàn thi hài Bác để nhân dân và bầu bạn quốc tế tới viếng Bác trong những ngày lễ tang.
Bộ tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ chuẩn bị các công việc cần thiết và thi công công trình này với mật danh 75B.
Ngày 2-9-1969 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta.
Vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trút hơi thở cuối cùng để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho tất cả nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới - Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc điếu văn trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9-9-1969 - Ảnh: Tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp an ủi người dân trong ngày Quốc tang của dân tộc
Theo đúng kế hoạch, thi hài Bác được chuyển về Quân y viện 108. Tổ y tế đặc biệt và các chuyên gia Liên Xô đã tập trung tiến hành từng thao tác kỹ thuật thận trọng, tỉ mỉ, chính xác để giữ nguyên những nét đặc trưng trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu tóc của Bác đúng như lúc sinh thời.
Sau Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 9-9-1969), thi hài Bác được gìn giữ tại Công trình 75A.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định, một mặt tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Công trình 75A để giữ gìn thi hài Bác được tiến hành kịp thời và thuận lợi, mặt khác cần xây dựng một công trình khác cũng như 75A nhưng ở xa Hà Nội, bí mật, yên tĩnh, đi lại thuận tiện để khi cần sẽ di chuyển thi hài Bác tới đó giữ gìn bảo đảm tuyệt đối an toàn. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chọn khu vực K9 là nơi xây dựng công trình dự phòng.
K9 là một khu đồi thông ở hữu ngạn sông Đà, cách trung tâm Hà Nội khoảng 70 km. Sau hơn 3 tháng thi công, ngày 15-12-1969, công trình K9 hoàn thành. Để giữ bí mật, công trình K9 được đổi tên thành K84.
Việc di chuyển thi hài là việc rất hệ trọng, do đó trong nhiều cuộc họp, Ban Chỉ đạo cùng các ngành, các cấp đã thận trọng cân nhắc ba phương án hành quân: Đường không, đường thủy, đường bộ. Sau khi xem xét, phân tích kĩ lưỡng, cuối cùng Ban Chỉ đạo quyết định chọn phương án di chuyển bằng đường bộ.
Những chuyến xe đặc biệt và 6 lần di chuyển thi hài Bác
Theo Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 6 năm (1969 -1975), để giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 69 (tiền thân của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay) đã thực hiện 6 lần di chuyển thi hài Bác. Mỗi chuyến đi là một chiến công của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ trong đơn vị và các chuyên gia Liên Xô.
Những chiếc xe từng trực tiếp tham gia di chuyển thi hài Bác, hiện được trưng bày tại Khu di tích K9 Đá Chông - Ảnh: Báo Giao Thông
Cuộc di chuyển lần thứ nhất: Đúng vào đêm 23-12-1969. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84. Sau hơn 4 giờ hành quân, thi hài Bác đã đến K84 đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Cuộc di chuyển lần thứ hai: Đêm 20 rạng sáng ngày 21-11-1970, trước cuộc tập kích bất ngờ của lính Mỹ bằng đường không vào một trại giam phi công Mỹ ở thị xã Sơn Tây. Trước tình hình đó, để bảo đảm tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định di chuyển thi hài Bác về công trình 75A ở Hà Nội. Đêm 3-12, đoàn xe rời căn cứ K84, đến 3 giờ sáng ngày 4-12, đoàn xe về đến công trình 75A.
Chiếc UAZ biển số FH 1468 của Viện Quân y 108 là chiếc xe đầu tiên được sử dụng để di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Báo Giao Thông
Cuộc di chuyển lần thứ ba: Mùa thu năm 1971, miền Bắc xảy ra những trận mưa lớn dữ dội, mực nước sông Hồng lên cao, Thủ đô Hà Nội bị đe dọa ngập lụt. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác từ công trình 75A lên K84. 11 giờ trưa ngày 19-8, đoàn xe được lệnh rời Công trình 75A. Cuộc di chuyển này diễn ra vào ban ngày, đến 5 giờ chiều, sau 6 giờ (sớm hơn thời gian mà trước đây đoàn chuyên gia Liên Xô yêu cầu) hành quân, thi hài của Bác được đưa đến địa điểm an toàn tuyệt đối.
Cuộc di chuyển lần thứ tư: Từ 30-3-1972, Mỹ tiến hành leo thang đánh phá trở lại miền Bắc. K84 dù ở xa nhưng lại nằm trên đường bay của không quân Mỹ nên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định di chuyển thi hài Bác từ K84 đến địa điểm mới H21. Sau một thời gian chuẩn bị, 21 giờ ngày 11-7-1972, đoàn xe chở thi hài Bác rời K84 và đến H21 lúc 0 giờ 15 ngày 12-7, đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối.
Cuộc di chuyển lần thứ năm: Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được kí kết. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định đưa thi hài Bác về K84. Đúng 21 giờ ngày 8-2 (mùng 4 Tết), đoàn xe được lệnh xuất phát đưa thi hài Bác về lại K84. Đây là lần thứ năm, cán bộ chiến sĩ Đoàn 69 tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ di chuyển thi hài Bác an toàn.
Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 29-8-1975. Ảnh: Tư liệu
Cuộc di chuyển lần thứ sáu: Ngày 2-9-1973, Công trình Lăng Bác được khởi công, sau hai năm xây dựng công trình đã hoàn thành vào ngày 29-8-1975.
Ngày 26-5-1975, Đoàn 69 nhận được lệnh chuẩn bị mọi mặt để đón thi hài Bác về Lăng. Đúng 16 gờ ngày 18-7-1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát. 20 giờ ngày 18-7-1975, đoàn xe đưa thi hài Bác về tới Quảng trường Ba Đình. Những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã chờ sẵn đón Bác vào Lăng - ngôi nhà vĩnh hằng của Người giữa Ba Đình lịch sử.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Ngô Nhung
Như vậy trong 6 năm (1969-1975) cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 đã sát cánh cùng với các chuyên gia Liên Xô, vượt qua bao thử thách khắc nghiệt của chiến tranh và thiên tai, lập nên những chiến công thằm lặng, bí mật: thực hiện 6 lần di chuyển thi hài Bác thành công, làm thuốc, bảo quản giữ gìn và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đón tiếp hơn 57 triệu lượt người đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo Ban Quản lý Lăng, từ ngày mở cửa Lăng (ngày 29-8-1975 đến hết tháng 2-2018), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn gần 57,2 triệu lượt người, trong đó có 9,7 triệu lượt khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; hơn 200 đoàn nguyên thủ quốc gia đến viếng Bác.
Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý:
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Nhân dân thời kỳ đổi mới (năm 2004), Huân chương Hồ Chí Minh (năm lần 1 năm 1985, lần 2 năm 2010), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2000), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2018).
Viện 69 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1995), Huân chương Hồ Chí minh (năm 2009).
Đoàn 195 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLTV nhân dân (năm 2000)…
Tập thể cán bộ khoa học kỹ thuật và y tế được tặng giải thưởng Nhà nước về Cụm công trình khoa học công nghệ giữ gìn lâu dài thi hài Bác (năm 2000).
Bình luận (0)