Chiều 21-11, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum - cho biết sau 2 năm, Công ty CP Thủy điện Ry Ninh II - Đăk Psi (chủ đầu tư Thủy điện Đăk Psi 2) vẫn chưa trả 1,5 tỉ đồng tiền bồi thường cho dân xã Tê Xăng.
Dây dưa trong bồi thường
Đăk Psi là phụ lưu của sông Pô Kô, chảy qua các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Hà và Đăk Tô của tỉnh Kon Tum. Đăk Psi chỉ dài chừng 70 km nhưng đã có 10 công trình thủy điện vừa và nhỏ công suất từ 4 MW đến 30 MW được Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch trên dòng Đăk Psi. Trong đó, 7 thủy điện đã xây dựng xong, 2 thủy điện đang thi công và 1 thủy điện đang chuẩn bị đầu tư.
Đáng chú ý, các thủy điện nằm dày đặc ở một số xã. Điển hình như xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) có 5 thủy điện; xã Đăk Hà, xã Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông) mỗi địa phương có 2 thủy điện. Ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, cho biết sông Đăk Psi chảy qua địa bàn xã chỉ khoảng 10 km nhưng có 5 dự án thủy điện đã hoàn thành, gồm: Đăk Psi, Đăk Psi 1, Đăk Psi 5, Đăk Trưa 1, Đăk Trưa 2. Gần đó là thủy điện Đăk Psi 6 đang triển khai.
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn Kon Tum là chưa quan tâm đúng mức đến việc ảnh hưởng tới môi trường, đất rừng; chạy theo nhà đầu tư. Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Kon Tum rà soát, điều chỉnh, loại bỏ bớt các dự án thủy điện nhỏ và vừa tránh nguy cơ xảy ra lũ lụt, do thủy điện chiếm đất rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường và mất tài nguyên rừng.
Việc phát triển thủy điện ồ ạt tại tỉnh Kon Tum đã dẫn đến nhiều hệ lụy như người dân mất đất sản xuất, thủy điện dây dưa không bồi thường khiến đời sống người dân trong vùng thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Trần Phước Tuấn cho biết năm 2020, tài sản, hoa màu của 62 hộ dân quanh lòng hồ Thủy điện Đăk Psi 5 bị nước ngập gây thiệt hại nặng nề. Sở Công Thương xác định do lũ về quá lớn nên Thủy điện Đăk Psi bậc 1 và Đăk Psi bậc 2 (Công ty CP Thủy điện Đức Nhân Đăk Psi làm chủ đầu tư) mở van xả lũ vượt giới hạn cho phép và chưa đúng quy trình vận hành hồ chứa khiến lưu lượng xả về hạ du tăng nhanh, dẫn đến lũ chồng lũ dưới hạ du. Dù Sở Công Thương và chính quyền địa phương đã nhiều lần đôn đốc nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành bồi thường cho người dân, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
"Sau khi các thủy điện được xây dựng, các đợt mưa lũ, nước đổ về dồn nhiều gây ngập đất sản xuất của người dân. Do đó, nhiều diện tích đất bà con bỏ, không canh tác nữa" - ông Tuấn nói. Còn ông A Đe, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông), xác nhận Thủy điện Đăk Psi 2 đang nợ 1,5 tỉ đồng tiền đền bù, hỗ trợ của dân từ 2 năm qua khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Chúng tôi nhiều lần làm việc, yêu cầu thủy điện khẩn trương hoàn thành việc chi trả cho dân nhưng đòi mãi mà họ cứ nói chưa có tiền" - ông A Đe ngán ngẩm.
Một công trình thủy điện trên đoạn sông Đăk Psi chảy qua xã Đăk Pxi
Khẩn trương hoàn thành chi trả
Theo ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, đơn vị này đã ra "tối hậu thư" yêu cầu chủ đầu tư Thủy điện Đăk Psi 2 khẩn trương hoàn thành việc chi trả trước ngày 20-11. Nếu không hoàn thành chi trả sẽ tham mưu để UBND tỉnh Kon Tum thu hồi chủ trương đầu tư; đề xuất Bộ Công Thương xem xét loại khỏi quy hoạch phát triển điện lực.
Tại sông Đăk Psi, Thủy điện Đăk Psi 6 (công suất 12 MW, do Công ty CP Đầu tư Thủy điện Đăk Psi 6 làm chủ đầu tư) đang xây dựng tại xã Đăk Long (huyện Đăk Hà) và xã Diên Bình (huyện Đăk Tô). Dự án này vừa bị Thanh tra Chính phủ kết luận được cấp chủ trương đầu tư khi báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt; tính thiếu tiền ký quỹ; khởi công khi chưa được giao đất, chưa hoàn thành chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng; chiếm đất.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Kon Tum, sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý thì UBND tỉnh đã có quyết định cho chủ đầu tư thuê đất làm thủy điện. Trong đó, đất xây các hạng mục công trình, giao thông là 14,6 ha; diện tích đất lòng hồ 35 ha. Tại thời điểm thanh tra, dự án đang thi công trên phần diện tích đã được UBND tỉnh Kon Tum cho thuê, diện tích này đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng. Riêng diện tích đất lòng hồ do chưa tích nước, chưa sử dụng nên UBND tỉnh sẽ yêu cầu hoàn thiện các điều kiện trước khi cho thuê đất.
Ông Hoàng Công Ái - Chủ tịch UBND xã Đăk Long, huyện Đăk Hà - cho biết từ khi Thủy điện Đăk Psi 6 triển khai, người dân không có khiếu kiện, khiếu nại gì. Tuy nhiên, việc thi công đã đắp đập, nắn dòng ảnh hưởng dòng chảy tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Quân, đại diện chủ đầu tư, lý giải nhà thầu đắp một phần lòng sông để dẫn dòng ra khỏi phạm vi thi công đúng theo quy trình kỹ thuật, sau khi thi công xong đã tháo dỡ, dọn dẹp theo quy định.
Bình luận (0)