Ngày 21-11, tại TP HCM, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Nam Bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử" nhân kỷ niệm 75 năm ngày Nam Bộ kháng chiến.
Nhiều bài học quý cho công cuộc đổi mới
Nhắc lại bối cảnh lịch sử năm 1945 trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết 15 tháng kháng chiến là khoảng thời gian không dài, dù không thể đánh bại được kế hoạch mở rộng đánh chiếm của thực dân Pháp do tương quan lực lượng quá chênh lệch song cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ đã bước đầu làm thất bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của địch. Theo đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy, UBND và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã phát động quân và dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực Pháp khi quay lại xâm lược nước ta lần nữa. Với sự thỏa hiệp của quân Anh, đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, quân Pháp nổ súng tiến công, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn. Quân và dân Sài Gòn đã đứng dậy chiến đấu, quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa giành được.
Ông Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ, phát biểu tại hội thảo Ảnh: QUANG LIÊM
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho rằng cuộc chiến đấu trong điều kiện không cân sức của quân dân ở mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương khác của Nam Bộ thực sự tiêu biểu cho tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí, quyết tâm "giữ vững nền độc lập" của dân tộc Việt Nam. Trang sử hào hùng đó luôn là niềm tự hào đối với các thế hệ người Việt Nam khi nhắc đến vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Không dừng lại ở việc khẳng định sự chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân dân Nam Bộ, nhiều tham luận còn làm rõ sự kiện Nam Bộ kháng chiến đã để lại nhiều bài học quý đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. GS-TS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), nhìn nhận Nam Bộ kháng chiến đã cho thấy bản lĩnh, linh hoạt, thông minh, mưu trí, ham tìm tòi, sáng tạo; không chỉ "dám đánh" mà còn "biết đánh" một cách hiệu quả, sáng tạo ra nhiều phương pháp tác chiến, chiến thuật quân sự, vũ khí tự tạo... để chiến đấu với kẻ thù. "Nam Bộ kháng chiến đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, thể hiện nét độc đáo, sáng tạo về chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh" - GS-TS Võ Văn Sen đúc kết.
PGS-TS Hà Minh Hồng, Hội Khoa học Lịch sử TP HCM, nhận định Nam Bộ kháng chiến đã tạo ra tiền lệ mới trong ứng phó với kẻ thù, buộc chúng bộc lộ tất cả âm mưu, thủ đoạn chiến tranh xâm lược hòng lập lại chế độ thuộc địa. Thiếu tướng Đào Tuấn Anh, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, đánh giá 75 năm đã trôi qua nhưng tinh thần bất khuất, mốc son sáng ngời của ngày Nam Bộ mở đầu kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử. Đây sẽ là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Đập tan âm mưu của thực dân Pháp
Đặc biệt, hội thảo một lần nữa làm rõ vai trò của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với Nam Bộ kháng chiến. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Phan Nguyễn Như Khuê, từ "Nam Bộ kháng chiến" đến "Toàn quốc kháng chiến" đã thể hiện một chặng đường vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, xứng đáng với danh hiệu vẻ vang "Thành đồng Tổ quốc" mà Bác Hồ tặng quân và dân Nam Bộ. Tinh thần Nam Bộ kháng chiến luôn đi cùng với sự nghiệp xây dựng và phát triển TP HCM và mai sau.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang cho rằng 75 năm đã trôi qua nhưng chiến công của quân và dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đã ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son lịch sử chói lọi. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP, thời điểm đó, theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đông đảo nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi, tạo nên sức mạnh của toàn dân. Bằng hành động và quyết tâm của mình, đồng bào, chiến sĩ toàn Nam Bộ hừng hực khí thế "Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến..." đồng lòng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân Sài Gòn thực hiện tổng đình công; nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ đóng cửa, xe điện ngưng chạy... Vòng vây quân sự và vòng vây kinh tế làm cho quân Pháp bất ngờ và bị động đối phó ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Âm mưu đánh chiếm Nam Bộ trong 3 tuần của thực dân Pháp bị phá sản hoàn toàn. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã gây chấn động cả nước.
Tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy hào khí Nam Bộ "Thành đồng Tổ quốc", TP HCM hôm nay luôn nỗ lực, phấn đấu, xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đã làm được. TP đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. "Đảng bộ và nhân dân TP HCM nguyện tiếp tục phấn đấu đi trước về đích trước trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát huy ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng TP HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình" - ông Trần Lưu Quang khẳng định.
Còn nguyên ký ức
Nhiều tham luận trình bày tại hội thảo đã làm cả hội trường lặng đi vì xúc động bởi chính câu chuyện của những người trong cuộc. Đến hội thảo với tư cách nhân chứng lịch sử, ông Võ Anh Tuấn (93 tuổi) - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ, nguyên thư ký của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm, Đại sứ làm nhiệm vụ tại nhiều nước - chia sẻ: "Đã 75 năm trôi qua kể từ "Mùa thu rồi, ngày hăm ba..." năm 1945 lịch sử nhưng ký ức của một trong những thanh niên Nam Bộ đi theo "tiếng kêu sơn hà nguy biến" những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Một trong những điều kỳ diệu ở sự kiện Nam Bộ kháng chiến là ta đã tương kế tựu kế, thành lập Thanh niên Tiền phong ngày 1-6-1945, với hơn 25.000 thành viên quỳ gối tuyên thệ: "Tôi luôn hết lòng hy sinh cho Tổ quốc!".
Bình luận (0)