Được tranh luận sôi nổi ngay từ phiên thảo luận đầu tiên ở kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2019), qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, đến phiên thảo luận cuối cùng tại đợt họp trực tuyến (kỳ họp 9) vừa qua, do vẫn còn ý kiến khác nhau, nên Ủy ban Thường vụ QH để hai phương án tại dự thảo luật: cấm hoặc không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Kết quả vẫn không có phương án nào được đồng thuận hoàn toàn, dù số ý kiến ủng hộ cấm nhiều hơn, có đại biểu cho rằng chọn phương án cấm hay không cũng đều chưa yên tâm bấm nút.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tính đến 17 giờ ngày 28-5, đã có 409 đại biểu hồi âm. 317/409 vị (chiếm 77,51%) chọn phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 91 vị chọn phương án không cấm và 1 người không thể hiện chính kiến.
Ở phần "ý kiến khác", có vị đại biểu cho rằng, các luật hiện hành cũng đã quy định hình thức cho vay và hình thức phải trả nợ... nên không cần quy định ngành nghề này trong Luật Đầu tư, tạo ra một hành vi "đòi nợ" trái pháp luật.
Có hai vị đại biểu cho rằng nên đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hộ nợ" để đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời có những điều kiện kinh doanh cụ thể quản lý, chế tài, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để ngành nghề này lành mạnh không biến tướng, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội. Chính phủ cần quy định rõ những biện pháp, hành vi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không được làm.
Việc biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được tiến hành vào chiều 17-6, khi QH họp trực tiếp.
Bình luận (0)