Bộ Y tế cho biết ngày 31-1, cả nước ghi nhận 50 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 19 ca nhập cảnh đang được cách ly và 31 ca bệnh do lây nhiễm trong cộng đồng ở Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Gia Lai, Hòa Bình và Bình Dương.
Đặc biệt, trong số 9 ca bệnh ở Hà Nội có 5 ca mắc ở quận Nam Từ Liêm. Đây là chùm ca trong cùng một gia đình là vợ, con trai, mẹ vợ, bố vợ và em vợ của bệnh nhân (BN) 1694 (nam, 40 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm). Tất cả các trường hợp đều tiếp xúc BN 1694 từ tối 17-1, tiếp xúc lần cuối ngày 28-1. BN 1694 được đánh giá là ca bệnh có dịch tễ rất phức tạp, lịch trình đi lại của BN dày đặc, có 2 con nhỏ học tiểu học và mầm non.
Trong ngày 31-1, Hòa Bình và Bình Dương là 2 địa phương ghi nhận những ca bệnh đầu tiên ở cộng đồng. Đến nay, cả nước ghi nhận 1.817 ca mắc Covid-19, trong đó, 931 ca bệnh do lây nhiễm trong nước. Từ ngày 28-1 đến nay, đã có 9 tỉnh/TP ghi nhận ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Liên quan đến ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh đã có 238 ca lây nhiễm trong nước, đa số ca mắc ở Hải Dương (188 ca), Quảng Ninh (25), Hà Nội (13), Gia Lai (4), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TP HCM (1), Bình Dương (1).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), đơn vị này đã tiếp nhận khai báo, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đến từ Hải Dương, Quảng Ninh, các địa điểm do Bộ Y tế công bố. Tính đến 7 giờ cùng ngày, HCDC đã tiếp cận lấy mẫu xét nghiệm tổng cộng 446 người, trong đó 328 người được xét nghiệm, 1 ca dương tính (BN 1660), 170 trường hợp âm tính, còn lại đang chờ kết quả.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cho biết TP tiếp tục truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với BN, xử lý phòng chống dịch theo quy định với các trường hợp nhiễm mới phát hiện, kiểm tra, giám sát các khu cách ly tại khách sạn, bệnh viện, các khu cách ly tập trung của quận - huyện, khu cách ly của TP. Ngoài ra, HCDC triển khai thực hiện cách ly người nhập cảnh theo quy định, giám sát người sau khi hoàn thành cách ly tập trung về cư trú tại TP, giám sát BN sau xuất viện… Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm thành viên các tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại TP, thực hiện xét nghiệm các nhóm nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm giám sát với người làm việc tại sân bay, nhân viên y tế, xét nghiệm đối với BN Covid-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung, người sau cách ly.
Trước nguy cơ lây lan của dịch Covid-19, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp cấp phép khẩn cấp cho phép vắc-xin Covid-19 do AstraZeneca của Anh sản xuất. Theo Bộ Y tế, dự kiến Việt Nam có thể mua từ 30 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 trong năm 2021 và những liều vắc-xin đầu tiên sẽ về Việt Nam trong tháng 2. Vắc-xin Covid-19 được phê duyệt nhập khẩu có tên AZD1222 của AstraZeneca. Hiện đã có khoảng 10 nước cho lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu khẩn cấp/có điều kiện vắc-xin của AstraZeneca.
Nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết nhóm nguy cơ cao như y - bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ biên phòng ở tuyến đầu... sẽ là những người được ưu tiên đầu tiên tiêm vắc-xin Covid-19. Nguồn chi trả cho nhóm này sẽ là ngân sách nhà nước.
Trong trường hợp số lượng vắc-xin nhập về nhiều hơn thì việc tiêm vắc-xin sẽ thực hiện theo kế hoạch do Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế xây dựng. Việc tiêm vắc-xin này sẽ được thực hiện song song với nguồn Chính phủ chi trả và từ nguồn xã hội hóa là vắc-xin dịch vụ.
Bộ Y tế cũng tích cực đàm phán với các hãng có vắc-xin đã được nhiều quốc gia phê duyệt là Pfizer, Moderna và một số nhà sản xuất khác để có thêm vắc-xin cho người dân Việt Nam. Hiện 2/4 công ty nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19 ở Việt Nam đang trong giai đoạn tiêm thử nghiệm trên người. Trong tháng 2, vắc-xin Nano Covax của Công ty Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trên gần 600 người tình nguyện. Nếu triển khai nhanh và được phê duyệt khẩn cấp, vắc-xin này có thể thực hiện tiêm trên người vào cuối năm 2021.
Bình luận (0)