Trong nửa nhiệm kỳ của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; đại dịch COVID-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao... gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, khu vực.
Bảo đảm an sinh xã hội
Dẫu vậy, trong bối cảnh đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định: Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6% - 6,5% và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và thế giới.
Tăng trưởng GDP trong quý I/2023 của Việt Nam tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm Việt Nam vẫn có thể đạt từ 6% - 6,5%. Tại TP HCM, tuy tăng trưởng GRDP năm 2021 suy giảm sâu ở mức -5,36% do đại dịch, từ đầu năm 2022 hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi, tăng trưởng đạt 9,03% và trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,55%...
Trong gần 1 năm, Bộ Chính trị đã ban hành và chỉ đạo tổ chức thành công các hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết mới về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ở toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Đó là: Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (gồm 14 tỉnh); Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long (gồm 13 tỉnh, thành); Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 đối với vùng Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh); Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 đối với vùng Đông Nam Bộ (gồm 5 tỉnh, thành); Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (gồm 14 tỉnh, thành); Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 đối với vùng đồng bằng sông Hồng (gồm 11 tỉnh, thành). Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, tạo tiền đề pháp lý quan trọng để phát triển thành phố trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; chính sách bảo trợ xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19 được đẩy mạnh. Đã giải ngân 104.000 tỉ đồng, hỗ trợ gần 58 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động.
Về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đã ban hành quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó đã bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, bao gồm cả chỉ đạo phòng chống tham nhũng và phòng chống tiêu cực, trọng tâm là phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã đánh giá thành tựu trên các mặt quốc phòng - an ninh, đối ngoại… và thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế, tồn tại.
Các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế đã phát huy tác dụng trong thời gian qua. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan Hội An (Quảng Nam). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Gắn trách nhiệm cán bộ với thực tiễn
Để làm lan tỏa những kết quả nổi bật của nửa nhiệm kỳ qua, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lực lượng tuyên giáo, là phải nắm thông tin đầy đủ, chính xác về kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Qua đó, đề cao các kết quả đạt được, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sự nỗ lực, phấn đấu của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Đương nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế, tồn tại và thấy rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong việc tham gia khắc phục các hạn chế, tồn tại đó chứ không phải xem các hạn chế là việc của người khác và mình không liên quan! Đồng thời, cán bộ phải đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về các vấn đề liên quan đến kết quả nửa nhiệm kỳ qua.
Gắn trách nhiệm cán bộ, đảng viên với thực tiễn TP HCM, mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ tuyên giáo, cần nắm chắc các chủ đề năm của thành phố. Mỗi người cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đấu tranh; gắn việc thực hiện Kết luận 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về "Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".
Từng người cần khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ. Mỗi cán bộ cần chủ động đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn; mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo vững vàng
Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 93 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1.8.1930 - 1.8.2023), ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh toàn ngành tuyên giáo phải tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của trung ương; các bài viết, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... tạo khí thế thi đua học tập, lao động sản xuất, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo trong tình hình mới. Tiếp tục xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp kiên định lập trường chính trị, vững vàng tư tưởng, trách nhiệm, tâm huyết, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo trên mặt trận công tác tư tưởng của Đảng.
Bình luận (0)