Chiều tối 1-3, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, nhiều câu hỏi liên quan đến việc ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng đột biến so với năm trước đã được đặt ra.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Mạnh Hùng - Ảnh: Thế Huỳnh
Giải trình về việc này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Mạnh Hùng cho biết việc xét chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là việc làm thường niên. Ông Hùng cũng thừa nhận số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng nhiều so với năm trước.
Về lý do, ông Hùng cho biết do thời gian tiếp nhận hồ sơ các ứng viên của năm 2017 kéo dài hơn 6 tháng so với năm 2016.
"Trong 6 tháng đó, các ứng viên tiếp tục tích lỹ thêm các điều kiện, tiêu chuẩn để đăng ký xét chức danh giáo sư, phó giáo sư" - ông Hùng giải thích.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng thông tin tại buổi họp báo - Video: Thế Huỳnh
Ngoài ra, cũng có lý do là do nhà nước có chính sách hỗ trợ nên số người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, có nhiều bài báo quốc tế, công trình khoa học lớn cũng tăng lên. Cùng đó, do các trường đại học, các cơ sở giáo dục ngày càng muốn nâng cao chất lượng giảng viên nên số lượng cán bộ được tạo điều kiện để đạt các chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng tăng.
"Ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 nhìn chung tăng lên so với các năm trước, năng lực ngoại ngữ cũng tăng lên rất nhiều. Theo kết quả Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố, tổng số ứng viên đạt là 1.226/1.537 (đạt 79,76%). Tỉ lệ 79,76% cũng chỉ tương đương những năm trước" – ông Hùng nhận định.
Trước ý kiến của dư luận về việc số hồ sơ giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến, ông Hùng cho biết Bộ GD-ĐT đã yêu cầu rà soát kỹ các hồ sơ ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
"Nếu phát hiện trường hợp nào không đáp ứng sẽ kiên quyết không công nhận. Với những trường hợp đơn thư tố cáo thì cũng sẽ xem xét xử lý theo pháp luật về tố cáo" - ông Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Làm rõ thêm vấn đề trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng rất quan tâm chất lượng nhà khoa học Việt Nam bởi đây là đội ngũ quan trọng, niềm tự hào của dân tộc. Do vậy, ngay khi có ý kiến dư luận, Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ các chức danh giáo sư, phó giáo sư.
"Đến nay, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo việc rà soát trên. Trong đó, có những ứng viên chưa đủ đề tài, bài báo, giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học. Bộ GD-ĐT và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước báo cáo có 94 ứng viên giáo sư, phó giáo sư có đơn thư tố cáo và hồ sơ cần xác minh thêm" - ông Mai Tiến Dũng thông tin.
Theo ông Dũng, hiện Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đang tiếp tục đánh giá, rà soát lại những ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư.
"Quan điểm của Thủ tướng là làm nghiêm túc vấn đề này, từ đó đánh giá thực chất các ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư" – ông Dũng cho hay.
Có khiếu nại Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp nhận, xử lý
Trả lời tiếp câu hỏi của báo chí về thông tin Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nằm trong danh sách phải rà soát vì có khiếu nại?, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết nếu có khiếu nại thì Bộ sẽ tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định của luật khiếu nại tố cáo.
Trả lời câu hỏi về việc Chính phủ có khuyến khích các Bộ trưởng dành thời gian cho việc làm hồ sơ được phong giáo sư, phó giáo sư trong khi công việc thực hiện nhiệm vụ "kiến tạo, hành động..." rất nặng nề không?, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: "Các bạn hỏi Chính phủ có khuyến khích thành viên Chính phủ xét chức danh giáo sư, phó giáo sư hay không? Tôi xin trả lời là chúng ta làm theo quy định. Nếu lãnh đạo đó đủ điều kiện thì làm hồ sơ gửi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xét duyệt. Tức là được tham gia nhưng phải đảm bảo thực chất, chất lượng".
Bình luận (0)