Lãnh đạo một số địa phương thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) và Ðồng Nai đã có phản hồi với Báo Người Lao Ðộng xung quanh cách thức chấn chỉnh cũng như xử lý liên quan đến tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp đang tái diễn.
Xử lý cán bộ ngó lơ và người đứng đầu
Theo ông Hoàng Vũ Thảnh, quyền Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu (tỉnh BR-VT), nhằm siết chặt tình trạng vi phạm trong quản lý đất đai, tình trạng phân lô, bán nền rồi chuyển nhượng trái phép, TP Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết 03-NQ-TU ngày 4-5-2021 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Ðảng trong việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất và trật tự xây dựng. "Trong nghị quyết chỉ rõ trách nhiệm của từng cá nhân nếu để xảy ra vi phạm" - ông Hoàng Vũ Thảnh thông tin. Đáng nói, trong vi phạm pháp luật trên lĩnh vực quản lý, sử dụng đất và trật tự xây dựng có không ít đối tượng vi phạm là cán bộ, đảng viên. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là từ sự chủ quan của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự phát huy trách nhiệm và quyết liệt ngăn chặn vi phạm, có sự bao che, tiếp tay….
Ngoài gắn biển cảnh báo, chính quyền địa phương cần xử phạt thật nghiêm vi phạm cũng như xử nghiêm cán bộ địa bàn lơ là trong kiểm tra .Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Theo đó, TP Vũng Tàu sẽ xử nghiêm cán bộ, đảng viên nếu dính dáng và tiếp tay cho những sai phạm liên quan đến quản lý đất đai. Ðặc biệt, địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý có diễn biến phức tạp thì bị xem xét kiểm điểm trách nhiệm, kỷ luật Ðảng và đảng viên biết và để người thân thực hiện việc vi phạm mà không báo để ngăn chặn sẽ bị phê bình nghiêm khắc. Ðối với cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo trong hệ thống chính trị thành phố (kể cả thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý) bị phát hiện lợi dụng chức vụ, tầm ảnh hưởng của mình để can thiệp, tác động, cản trở việc ngăn chặn, xử lý vi phạm sẽ bị coi thuộc diện cán bộ không đủ năng lực, uy tín cần phải thay thế hoặc sẽ bị xử lý kỷ luật đến mức phải bị miễn nhiệm các chức vụ theo quy định. "Với người trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có sự buông lỏng, không xử lý hoặc trì hoãn xử lý sẽ xem xét kỷ luật, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự" - Nghị quyết 03 nêu rõ.
Trong khi TP Vũng Tàu đã đề ra biện pháp mạnh để ngăn chặn thì nhiều địa phương khác lại chỉ mới dừng lại ở những biện pháp chung chung như cắm bảng cảnh báo, buộc cán bộ cam kết...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ (tỉnh BR-VT), cho hay sau khi nghe phản ánh từ báo chí và người dân, chính quyền tiến hành kiểm tra một số "dự án" được rao bán, kể cả rao bán trên mạng xã hội thì thấy đây là những "dự án" chưa đầy đủ pháp lý nên địa phương đã yêu cầu xử lý, cắm biển cảnh báo cho người dân. "Chúng tôi cũng đã yêu cầu người đứng đầu các phường, xã ký cam kết không để tình trạng phân lô, bán nền xảy ra trên địa bàn, nếu để tình trạng này tái diễn có dấu hiệu phức tạp sẽ xử lý người đứng đầu theo quy định" - Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho hay.
UBND xã Sông Thao (huyện Trảng Bom, tỉnh Ðồng Nai) cho hay ngoài lập biên bản kiểm tra ghi nhận toàn bộ việc chủ lô đất 1,4 ha tự ý phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, xã đã đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện ngưng giải quyết giao dịch với các thửa đất nói trên.
Ngoài ra, phía xã sẽ tổ chức cắm các bảng thông tin cảnh báo đến người dân để không bán, giao dịch đất nông nghiệp trái phép. Tương tự, lãnh đạo UBND xã An Phước (huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai) - nơi có một chủ đất còn "to gan" làm đường nhựa để bán các nền đất nông nghiệp, địa phương chỉ đang xử lý ở mức lật tung đường nhựa cắm bảng cảnh báo.
Chỉ cảnh báo là chưa đủ
Theo luật sư Nguyễn Văn Ðức, vụ án ở Công ty CP Ðịa ốc Alibaba với hàng ngàn nạn nhân là bài học không chỉ cho người dân "lướt sóng" bất động sản mà còn là bài học trong công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương nơi các "dự án ảo" xảy ra. Lẽ ra, bài học này phải thuộc lòng nhưng ở đây để tiếp tục xảy ra tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp rầm rộ nhưng chính quyền chỉ đưa ra lời cảnh báo là chưa đủ.
"Phải có những biện pháp cứng rắn, can thiệp bằng các biện pháp hành chính như: lập biên bản về hành vi lôi kéo của lực lượng môi giới; lập biên bản vi phạm hành chính đối với các đối tượng phân lô đất nông nghiệp trái pháp luật để làm căn cứ xử phạt hành chính" - luật sư Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh. Theo ông, nếu chính quyền nghiêm khắc, siết chặt quản lý đất đai và kịp thời xử lý hành chính thì đã hạn chế được hành vi vi phạm của các đối tượng phân lô, bán nền, hạn chế tình trạng sốt ảo đất mà Chính phủ đã nhiều lần lên tiếng.
Dẫn chứng cụ thể trường hợp phân lô, bán nền trên phần diện tích 1,4 ha ở xã Sông Thao, huyện Trảng Bom, tỉnh Ðồng Nai, ông Nguyễn Văn Nhất, giám đốc một công ty bất động sản ở TP HCM, cho rằng trường hợp này có cơ sở để phạt thật nặng, kịch khung. "Nếu phạt kịch khung thì tôi bảo đảm đố ông nào dám phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp" - ông Nguyễn Văn Nhất nói.
Ông nhận xét hình như cách trị vấn nạn xẻ thịt đất nông nghiệp ở một số địa phương đang đi theo hướng "mất bò mới lo làm chuồng". "Với cách xử lý này thì người thiệt hại nặng nề nhất không ai khác là khách hàng. Bằng chứng là hiện tại có hàng ngàn khách hàng của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đang đối diện nguy cơ không thu hồi được khoản tiền đã... xuống cọc" - ông Nhất phân tích.
Ðồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Ðức còn nhấn mạnh trường hợp các đối tượng phân lô, bán nền đã bị áp dụng chế tài hành chính mà vẫn tiếp tục tái phạm thì chính quyền địa phương kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét xử lý hình sự về tội "Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai" theo điều 228 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo điều luật này, một trong những căn cứ để xem xét xử lý hình sự đối với người phạm tội là "Có hành vi vi phạm chuyển nhượng đất trái pháp luật về quản lý đất đai đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự".
(*) Xem Báo Người Lao Ðộng từ số ra ngày 25-5
"Người mua phải tỉnh táo khi mua nền đất hay đầu tư vào các dự án bất động sản có giá quá rẻ so với thị trường. Ðừng chỉ nhìn trên giấy mà phải yêu cầu người bán cung cấp bản chính hoặc bản sao có chứng thực để kiểm tra, đối chiếu các hồ sơ dự án đã được cơ quan chức năng phê duyệt".
Ông NGUYỄN VĂN NHẤT, giám đốc một công ty bất động sản ở TP HCM
Bình luận (0)