Cũng cái tên ấy, những ngày qua đã gây xôn xao dư luận. Đó là một công ty địa ốc có tên Alibaba ở TP HCM đi những tỉnh lân cận tự chọn các khu đất rồi "làm hạ tầng" và rao bán dưới dạng "hợp đồng góp vốn", dù chưa có hồ sơ pháp lý. Hàng ngàn người đã tham gia vào hình thức mua bán giống đa cấp này, giúp công ty thu về hàng trăm tỉ đồng trong khi mọi rủi ro khách hàng phải chịu. Mới nhất là khoảng 8 "dự án" với diện tích hàng ngàn mét vuông đất/ mỗi "dự án" ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà Alibaba đang phân phối, chính quyền sở tại khẳng định công ty này chưa hề được cấp phép làm bất kỳ dự án đô thị hay dân cư nào trong tỉnh, các "dự án" nói trên chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, chưa giao đất, chưa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, không có giấy phép cải tạo mặt bằng hay xây dựng, chưa được phép tách thửa…, thế mà Alibaba vẫn ngang nhiên phân nền rồi bán, bán rất nhiều. Không riêng Đồng Nai hay Bà Rịa - Vũng Tàu, Alibaba đã vươn vòi tới Bình Thuận - cơ quan chức năng tỉnh này ngày 25-6 cho biết.
Cách Alibaba làm là công khai, chẳng những nhộn nhịp ngoài thực địa mà còn ì xèo trên mạng. Không hề thủ phận, họ còn ngạo mạn kéo tới cơ quan công quyền la hét, phản đối khi nhân sự của mình bị tạm giữ vì trước đó tham gia đập phá xe của đoàn cưỡng chế hoạt động xây dựng sai phép (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Chưa hết, ông chủ công ty này còn quay video với lời lẽ xấc xược, miệt thị công an và chính quyền, phát lên mạng.
Những cái sai rõ ràng của Alibaba, cơ quan chức năng đang xử lý và tiếp tục xác minh để chế tài tiếp theo. Nhưng vì sao họ lộng hành như vậy? Từ những chuyện tày trời của Alibaba vừa qua, không thể lờ đi trách nhiệm của các cơ quan hữu trách địa phương.
Chính quyền cấp xã/phường là đơn vị gần dân nhất trong hệ thống hành chính nhà nước. Hộ dân nào xây - sửa nhà, khu đất nào quy hoạch, công ty nào phân lô bán nền…, tất cả đều không lọt qua mắt cán bộ địa chính xã/phường được. Trên nữa là quận/huyện, với thẩm quyền cao hơn và phạm vi nắm bắt rộng hơn, trách nhiệm lớn hơn, phải biết chuyện cơ sở. Mọi hoạt động của Alibaba đều hai năm rõ mười giữa thanh thiên bạch nhật, lẽ ra phải bị chính quyền sở tại theo dõi và ngăn chặn ngay từ đầu. Nhưng thực tế thì công ty này đã phân phối hàng ngàn nền đất rồi mới bị sờ gáy. Vậy, nguyên nhân có gì khác ngoài dấu hiệu cán bộ chuyên trách thông đồng, móc ngoặc hoặc là buông lỏng quản lý, vô trách nhiệm với địa bàn?
Cũng phần vì sự chần chừ của cơ quan chức năng thời gian qua mà Alibaba không chùn tay. Các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc xử lý thật kiên quyết để giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ công dân, xử lý sai phạm, chứ không được phép lập luận đơn giản rằng cá nhân nào tham gia "góp vốn" với Alibaba thì người ấy tự lãnh hậu quả.
Alibaba trong truyện cổ toàn làm việc thiện lành, còn Alibaba bây giờ "bán trời không văn tự"! Thế lực nào chống lưng, đưa "câu thần chú" cho Alibaba thời nay, có hay không?
Bình luận (0)