Những cái chết thương tâm này đến nay vẫn còn ám ảnh nhiều người. Hậu quả thật khủng khiếp xuất phát từ nguyên nhân rất nhỏ: Đám cháy khởi phát từ phía cửa, nơi để xe máy đã chắn lối thoát duy nhất của những người trong nhà. Liên tưởng đến những căn nhà ống, chỉ có một lối ra đang chiếm phần lớn số căn hộ hiện nay ở TP HCM và các TP lớn, chúng ta không khỏi rùng mình. Chỉ cần một đốm lửa, hậu quả khó lường và những vụ cháy ở thành thị trong thời gian qua luôn để lại hậu quả nặng nề.
Chỉ vài ngày trước, trưa 25-3, một căn nhà cấp 4 ở quận 8, TP HCM phát hỏa, để lại hậu quả là 2 vợ chồng chủ nhà cùng con nhỏ 3 tuổi tử vong. Xa hơn nữa, vào tháng 12-2018, một nhà hàng ở Đồng Nai bốc cháy, làm 6 người chết, 1 người bỏng nặng. Còn theo thống kê của Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, trong năm 2020, cả nước xảy ra hơn 5.300 vụ cháy làm chết 89 người.
Hỏa hoạn là tai nạn khó lường và hậu quả rất thảm khốc. Từ xa xưa, có thể nói không ngoa rằng lịch sử phát triển các đô thị luôn đối đầu và vất vả chống chọi với hỏa hoạn. PCCC được ưu tiên hàng đầu trong các chính sách trị an. Mỗi đêm luôn có một đôi người cầm mõ tỏa đi khắp phố phường vừa gõ vừa hô cẩn thận củi lửa. Trong các bộ luật của các triều phong kiến đều quy định chặt chẽ việc phòng hỏa và phạt nặng người gây hỏa hoạn. Tuy vậy, ngay cả kinh thành Thăng Long cũng nhiều lần bị thiêu nặng. Vào năm 1631, lửa cháy cả hoàng cung, triều thần phải đưa vua Lê Thần Tông ra ngoại thành trú ở nhà quan viên. Nhiều đô thành khác có thể đứng vững trước chiến tranh nhưng lại bị thiêu rụi bởi hỏa hoạn.
Ngày nay, nguy cơ hỏa hoạn hiện diện khắp nơi nhưng còn khá nhiều người phớt lờ việc PCCC tại gia đình. Không đâu xa, ngay tại TP HCM, thử hỏi có được bao nhiêu gia đình trang bị bình cứu hỏa, thang thoát hiểm, trổ cửa cứu nạn, trong khi nguồn gây cháy như điện, thiết bị điện, bếp gas... giăng khắp nơi. Ngay cả những cơ sở sản xuất lớn, tòa nhà thương mại, công ty cũng chưa tuân thủ nghiêm ngặt công tác PCCC.
Quan trọng hơn, khi quy hoạch dân cư dường như công tác PCCC chưa được ưu tiên. Nhiều thành phố quy hoạch đường còn không hình dung kích thước xe chữa cháy hiện tại, trụ nước cứu hỏa có thuận lợi hay không và càng không có bãi trực thăng cứu hộ. Các đô thị ngày càng xây cao, vượt tầm thang của xe cứu hỏa dù hiện đại nhất nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có máy bay cứu hỏa chuyên dụng, dù đã được đề xuất nhiều lần trước Quốc hội.
Không còn cách nào khác, phải hiện đại hóa công tác PCCC. Vấn đề không chỉ ở ý thức người dân, trang bị lực lượng chuyên dụng mà còn ở cả tầm nhìn của các nhà quy hoạch đô thị và quản trị quốc gia.
Bình luận (0)