Ðã nhiều tháng trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại vụ tai nạn thương tâm khiến 3 người tử vong tại mỏ đất sét 1 (khu phố Thị Vải, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - BR-VT), bà Nguyễn Thị Thanh (cư dân địa phương) vẫn không thôi ám ảnh.
Nhóm sinh viên đang vui chơi tại mỏ đá Hóa An bỏ hoang với hồ nước sâu hun hút tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Rùng mình lo sợ
Bà Thanh nói hình ảnh ám ảnh bà nhất chính là lúc thi thể của từng nạn nhân được đưa lên bờ. "Ðó là thời điểm cuối tháng 6-2021, một nhóm thanh niên khoảng gần 10 người đến đây tụ tập ăn uống. Sau đó nhóm thanh niên dùng một chiếc xuồng nhỏ chở theo 5 người gồm 3 trai, 2 gái chèo ra giữa hồ thì bất ngờ xảy ra sự cố làm chiếc xuồng bị chìm khiến 3 người bị đuối nước, 2 người bơi được vào bờ. Không chỉ nhóm bạn của các nạn nhân mà ngay cả những người như tôi đã không kìm được nước mắt khi chứng kiến vụ tai nạn thương tâm này" - bà Thanh xúc động kể.
Theo bà Thanh, hiện trường vụ tai nạn chính là nơi doanh nghiệp khai thác đất sét để lại sau khi đã hoàn thành khai thác. "Hồ nước mới nhìn vào thấy trong xanh và hiền hòa nhưng thực tế lại là nỗi ám ảnh của người dân địa phương khi độ sâu của hồ trung bình hơn chục mét. Trẻ em chẳng may rơi xuống thì vô phương cứu kịp, bởi nước hồ lạnh buốt" - bà Thanh nói và mong chính quyền đề nghị đơn vị khai thác mỏ rào kín và cắt cử bảo vệ để mọi người không lui tới, nhất là trẻ em.
Cách mỏ đất sét trên hơn trăm mét là khu vực mỏ khai thác khoáng sản Mỹ Xuân 2. Ðã hơn 9 tháng trôi qua kể từ ngày 2 đứa con nhỏ chết đuối tại hồ nước sâu trong mỏ này, chị Lê Kim O. (tạm trú tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ) vẫn như người mất hồn khi nhắc lại câu chuyện đau lòng. Theo chị O., lúc đó khoảng 10 giờ ngày 28-5-2021, 2 con của chị là bé K. (SN 2005) và Kh. (SN 2012) rời nhà đi câu cá. Thấy các con không về, gia đình đi tìm thì đến sáng 29-5 hay tin một người đàn ông đã vớt được xác của 2 con tại mỏ đất sét Mỹ Xuân 2, sau đó đưa về trạm y tế phường. Lúc đó, chị O. chết ngất. Cũng như bà Thanh, chị O. đề nghị phải có giải pháp triệt để để trẻ em không thể lui tới những hồ nước do việc khai thác mỏ tạo ra.
Theo người dân, sau khi xảy ra các vụ tai nạn, các doanh nghiệp liên quan có dựng hàng kẽm gai làm rào chắn, đồng thời gắn biển cảnh cáo. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hàng rào kẽm gai được dựng lên rất sơ sài, dễ dàng chui qua và đặc biệt, các doanh nghiệp không có phương án phục hồi, cải tạo sau khi kết thúc khai thác khoáng sản.
Không chỉ riêng các mỏ khai thác đất sét ở thị xã Phú Mỹ, trên địa bàn tỉnh BR-VT còn nhiều mỏ khai thác khoáng sản khác không thực hiện việc phục hồi, cải tạo môi trường, không gắn biển cảnh báo nguy hiểm, thậm chí còn sử dụng để khai thác kinh doanh. Ðiển hình là điểm khai thác "hồ Ðá Xanh" trên địa bàn phường Kim Dinh, TP Bà Rịa. Ðây là một điểm khai thác đá từ nhiều năm trước, sau khi doanh nghiệp kết thúc khai thác đã hình thành nên hồ nước sâu, rộng, có màu xanh trông có vẻ đẹp mắt nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nơi đây cũng từng ghi nhận nhiều vụ đuối nước xảy ra nhưng hiện tại, không những không gắn biển cảnh báo, nơi đây còn được một cá nhân đứng ra làm điểm khai thác kinh doanh du lịch, thu phí người đến chụp ảnh.
Không thua BR-VT, ở tỉnh Ðồng Nai hiện có đến 10 mỏ khai thác đá, đất đã đóng cửa, rào chắn sơ sài tạo thành những hồ sâu hun hút. Ở mỏ đá Hóa An (phường Hóa An, TP Biên Hòa), vừa gặp chúng tôi, bà Diệu Linh đã bức xúc nói trước đây, khi mỏ đá hoạt động, người dân chịu khổ vì khói bụi, tiếng ồn, đường sá xuống cấp. Bây giờ, mỏ đá ngừng hoạt động nhưng quanh mỏ đá lại thành hàng loạt hồ tử thần và khu chứa rác trái phép.
Người chịu đau đớn nhất liên quan đến những chiếc hồ tử thần ở mỏ đá Hóa An, có lẽ là anh Nguyễn Văn Thành. Tám năm trước, con anh Thành khi đó học lớp 7 cùng bạn khi tan học ra hồ đá Hóa An chơi thì bị trượt chân, rớt xuống chết đuối. "Cứ nhìn hàng rào khu vực mỏ đá Hóa An chỗ còn chỗ mất là tôi lại sợ sẽ có những đứa trẻ khác do hiếu kỳ rồi gặp chuyện chẳng may" - anh Thành lo lắng và đề nghị phải có biện pháp bảo vệ an toàn, tránh để trẻ em, học sinh, sinh viên vẫn cứ lén lút vào ra khu mỏ đá để vui chơi.
Mỏ khai thác đất sét tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được rào chắn sơ sài. Ảnh: NGỌC GIANG
Vẫn loay hoay chấn chỉnh
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Ðồng Nai, các mỏ khoáng sản đã đóng cửa chủ yếu nằm trên 2 địa bàn là TP Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch. Trong đó, riêng TP Biên Hòa có 9 mỏ. Các mỏ bỏ hoang có độ sâu dao động 60-80 m, diện tích từ 5-34 ha.
Theo UBND phường Hóa An, địa phương này có đến 3 mỏ đá bỏ hoang. "Các mỏ này đều được quy hoạch làm du lịch sinh thái nhiều năm nay nhưng vẫn phải "đắp chiếu" nằm chờ vì chưa có nhà đầu tư mặn mà và tâm huyết" - một lãnh đạo UBND phường Hóa An thông tin. Theo vị này, đối với 3 mỏ này, việc dùng đất hay vật chất khác lấp đầy là việc rất khó khả thi. Vì vậy, bây giờ địa phương chỉ còn trông chờ sẽ có những nhà đầu tư cải tạo thành các khu du lịch để bớt được nỗi lo hiểm họa chực chờ.
Lý giải về việc chưa tìm được nhà đầu tư, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho rằng nhiều năm qua, thành phố đã ra sức mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các mỏ đá đã đóng cửa. "Theo đó, đã có một số doanh nghiệp dự tính thuê đất các mỏ đã đóng cửa để khai thác điện mặt trời hoặc làm các khu du lịch. Tuy nhiên, sau khi các doanh nghiệp tới khảo sát thì thấy hầm đá sâu tới tận 60-80 m, tính toán vốn đầu tư cao hơn nhiều so với thực hiện dự án ở những vùng khác nên không triển khai, không làm tiếp" - ông Huỳnh Tấn Lộc nói.
Trước những phản ánh về nguy hiểm rình rập ở các mỏ đá, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa nói trước mắt địa phương sẽ thông báo cho đơn vị quản lý các mỏ đá bỏ hoang là Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Ðồng Nai sớm sửa chữa lại hàng rào quanh các mỏ đá, bảng hiệu cảnh báo nguy hiểm. "Ðể nguy hiểm như vậy đâu có được" - ông Lộc khẳng định.
Lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh BR-VT thì nhìn nhận công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, khiến những vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Theo sở này, các điểm mỏ nêu trên được quy hoạch, cấp giấy phép khai thác từ lâu (quy hoạch từ giai đoạn năm 1995, cấp giấy phép từ năm 2002). Thời điểm đó, hoạt động khai thác đáp ứng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, trong khu vực dân cư và các công trình dân sinh còn thưa thớt, chưa phát sinh những nguy cơ mất an toàn như hiện nay, công tác thẩm định về thủ tục môi trường và cải tạo phục hồi môi trường còn đơn giản. "Ðến nay, dân cư và các công trình công cộng phát triển nhiều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Nhận thấy những tồn tại trên, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh BR-VT rà soát hiện trạng toàn bộ các mỏ khoáng sản đang khai thác và đã kết thúc khai thác để đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất" - Sở TN-MT tỉnh BR-VT thông tin.
Ðặc biệt, sở này đang xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh, trong đó yêu cầu quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác cần áp dụng các quy định của pháp luật để thẩm định kinh phí cải tạo phục hồi môi trường ở mức cao nhất, bảo đảm số tiền ký quỹ của các doanh nghiệp đủ để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác (có tính yếu tố trượt giá) trong trường hợp doanh nghiệp không chấp hành việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác.
Hàng chục giấy phép còn hiệu lực khai thác
Theo Nghị quyết của HÐND tỉnh BR-VT về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 60 điểm quy hoạch với tổng diện tích 1.74,52 ha gồm 30 điểm mỏ đá xây dựng, 4 mỏ đất sét gạch ngói, 13 mỏ cát xây dựng, 11 mỏ vật liệu san lấp và 2 mỏ than bùn. Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 33 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và 7 giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT.
Bình luận (0)