Ở chốt kiểm soát Covid-19 đặt tại Bến Phú Định (quận 8, TP HCM), bên cạnh biển cảnh báo khu vực đang bị khoanh vùng để kiểm soát dịch xuất hiện một tấm bảng với dòng chữ viết tay: "Khung giờ nhận hàng Ehome 3. Sáng 8 giờ đến 11 giờ 30 phút. Chiều 14 giờ đến 17 giờ 30 phút. Cảm ơn!".
Đội giao hàng bất đắc dĩ
Cạnh hàng rào phong tỏa, một nhóm gần 10 người trong bộ đồ bảo hộ màu xanh, đeo kính chống giọt bắn, khẩu trang và găng tay y tế liên tục nhận hàng từ bên ngoài chuyển vào. Sau khi phun thuốc khử khuẩn lên hàng hóa, họ sắp xếp lên ôtô rồi chuyển đến người dân đang bị phong tỏa tại chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM) cách đó gần 1 km. Họ chính là đội tình nguyện hỗ trợ miễn phí thực phẩm cho người dân.
Kể từ ngày toàn bộ 14 block thuộc chung cư Ehome 3 bị phong tỏa, cuộc sống của hơn 12.000 cư dân tại đây đảo lộn hoàn toàn. Một vài cư dân kêu gọi thành lập đội vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hóa ra vào chung cư trên Facebook Ehome 3 và đã lập tức nhận được sự hưởng ứng của nhiều người.
Thành viên đội tình nguyện vận chuyển hàng hóa từ chốt kiểm soát vào chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân, TP HCM) Ảnh: LÊ VĨNH
Ngay trong buổi sáng thứ hai của đợt phong tỏa, hơn 10 thành viên nhanh chóng góp tiền mua đồ bảo hộ, dung dịch sát khuẩn và lập một "trạm trung chuyển" ngay cạnh chốt kiểm soát dịch. Tại chung cư, một bộ phận khác tiếp nhận hàng hóa, phân phối về sảnh của từng block để người dân đến nhận. Với những trường hợp không thể ra ngoài nhận hàng do đang thực hiện cách ly, họ sẽ mang hàng hóa đến tận cửa căn hộ.
Thấy một phụ nữ đang ôm thùng hàng trên tay với vẻ lóng ngóng, anh Lê Văn Cường (thành viên đội tình nguyện) nói lớn: "Hàng chuyển vào Ehome 3 phải không chị? Mang lại đây em giao nhé! Chị ghi block nào, căn nào lên thùng hàng là được rồi". Sau khi kiểm tra thùng hàng đã đầy đủ thông tin, anh Cường vừa phun dung dịch khử khuẩn vừa nói: "Cũng lo lắng lắm chứ, nhưng nếu mình không làm thì cũng không được. Giúp được gì cho bà con thì giúp thôi. Mong sao cuộc sống bà con không bị đảo lộn quá nhiều trong thời gian này".
Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay, đội tình nguyện đã có 25 người tham gia. Ai có xe thì góp xe, không có xe thì góp của, góp công.
Tình làng nghĩa xóm giữa điểm dịch
Những món hàng được gửi vào đa số là lương thực thực phẩm như gạo, thịt cá, rau củ. Nhưng đôi khi cũng là bó hoa hồng, bình gas, bảng lương cuối tháng của nhân viên hay vô số những thứ lặt vặt khác. Bất kể gói hàng gì, dù lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ, các thành viên đều tiếp nhận và hỗ trợ vận chuyển nhiệt tình.
Là giám đốc một công ty tại TP HCM, trong thời gian bị phong tỏa, chị Lê Thị Thùy Dương (39 tuổi) vẫn phải điều hành công ty từ xa. Tạm gác lại sự bận rộn và cả lo lắng, chị Dương tham gia đội tình nguyện để tiếp sức cho chính các hàng xóm của mình.
"Ngày nào cũng đứng dưới nắng nóng, thêm bộ đồ bảo hộ kín mít này nên mệt lắm, thậm chí cổ của tôi có chỗ đã bị lở. Nhưng bấy nhiêu đó cũng chưa là gì cả. Chỉ cần giúp đỡ được mọi người là tôi thấy vui, không còn cảm giác mệt nữa" - chị Dương tâm sự.
Ngoài tham gia hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm, chị Dương còn kêu gọi, vận động cư dân Ehome 3 đóng góp kinh phí, mở gian hàng 0 đồng để chia sẻ với những người đang gặp khó khăn. Mỗi ngày, chị Dương nhờ bạn bè mua 1,5 tấn rau - củ - quả tươi, phân phát lại cho các gian hàng 0 đồng ở mỗi block. Những người đang gặp khó khăn hoặc người lớn tuổi không thể mua hàng trực tuyến có thể đến gian hàng 0 đồng lấy rau - củ - quả về sử dụng.
Từ ngày đội tình nguyện đi vào hoạt động, trang cộng đồng của chung cư Ehome 3 sôi nổi hẳn. Mọi người hay chụp lén các "chiến binh" áo xanh trong lúc làm việc, đăng lên trang kèm theo lời cảm ơn và động viên. Chính những hành động nhỏ đó đã tiếp thêm sức mạnh cho đội tình nguyện.
Rất nhiều tấm lòng, nghĩa cử nhân văn đã "thắp sáng" chung cư Ehome 3 những ngày này. Anh Nguyễn Văn Thắng, ngụ block A2, đã liên lạc người thân ở quê Đức Trọng, Lâm Đồng để mua củ - quả hỗ trợ người dân. Anh Trần Tuấn Vũ, ngụ block A6, cũng đã ủng hộ cư dân gần 4 tấn rau - củ - quả với mong muốn mọi người sẽ an toàn, an tâm vượt qua khó khăn.
Tương tự, những món quà bất ngờ như bánh chưng, trứng gà, cam chanh, sữa chua… xuất hiện ở sảnh các block với những dòng chữ yêu thương như: "Block A2 thương tặng block A1", kèm theo hình trái tim; "Ai cần lấy một hộp, cảm ơn"; "Tập thể Ehome 3 thương yêu chia sẻ cùng hàng xóm"; "Hãy ủng hộ tiền xăng cho bảo vệ vận chuyển hàng vào block A0"…
Ngày thường, cuộc sống ở đây "đèn nhà ai nấy rạng". Nhưng khi cả chung cư bị phong tỏa, họ sẵn sàng siết chặt tay nhau để cùng đi qua đại dịch. Thậm chí, họ còn chưa nhìn thấy được gương mặt ẩn đằng sau lớp khẩu trang của người đối diện, chưa nhớ hết tên của nhau nhưng tất cả không vì thế mà trở nên xa cách.
"Nhiều người trong chúng tôi tuy sống chung trong một block nhưng chưa bao giờ gặp nhau hay trò chuyện. Đây là cơ hội để chúng tôi biết nhau, cùng hỗ trợ nhau, từ đó mà tình làng nghĩa xóm được nhen lên. Trong khó khăn, chúng tôi càng thêm yêu quý cộng đồng Ehome 3 của mình" - anh Cường nói.
Tuân thủ 5 K
Điều đặc biệt của đội tình nguyện này là không có đội trưởng điều hành nhưng tất cả công việc đều vận hành thuần thục. Anh Đàm Đình Hưng, ngụ block A0, cho biết bản thân vẫn lo sợ về nguy cơ lây nhiễm vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng khi thực hiện phong tỏa, cách ly y tế, cơ quan chức năng đã xét nghiệm toàn bộ cư dân và có kết quả âm tính. Bên cạnh đó, đội tình nguyện đã thống nhất khi thực hiện nhiệm vụ phải bảo đảm nguyên tắc 5K. Nhờ vậy, đội tình nguyện yên tâm thực hiện "nhiệm vụ" và sẽ phục vụ người dân cho đến hết phong tỏa, cách ly y tế.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-6
Kỳ tới: Người nghèo làm cơm cho kẻ khó
Bình luận (0)