Tạm biệt người thân từ nhiều ngày trước, các nhân viên y tế nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 đang trải qua quãng thời gian cam go bên bệnh nhân và đồng nghiệp.
Họ không chịu ngồi yên
Trong 2 tuần tạm phong tỏa vừa qua, bên trong Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP HCM vẫn là cuộc chiến cam go bởi họ phải điều trị hơn 130 bệnh nhân Covid-19, trong đó rất nhiều ca nặng.
Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn là nơi tập trung nhiều bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, 4 người phải sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo). Những ngày qua, các nhân viên y tế đã phải thay đổi thời lượng ca làm từ 8 giờ lên 12 giờ. Nhốt mình trong bộ đồ bảo hộ, quay cuồng với hàng loạt thiết bị hỗ trợ sự sống, theo sát bệnh nhân nguy kịch, họ quên mất khái niệm thời gian.
Bên trong những cánh cửa kính buồng cách ly tại Khoa Nhiễm D, Nhiễm A... còn rất nhiều bệnh nhân Covid-19 khác, trong đó có cả các nhân viên của BV Bệnh nhiệt đới TP HCM là chùm ca bệnh liên quan khối hậu cần, có nguồn lây từ bên ngoài. Hầu hết các nhân viên này đều là ca bệnh nhẹ và nhiều người đã lựa chọn không ngồi yên.
Cuộc chiến hiện vẫn cam go trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM như những ngày phong tỏa trước đây.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết: "Chùm ca bệnh trong nhân viên tập trung ở khối hậu cần, lực lượng điều trị hầu như không bị ảnh hưởng nên mọi hoạt động liên quan việc chăm sóc bệnh nhân vẫn được bảo đảm tốt. Các vị trí khuyết trong khối hậu cần đã được sắp xếp phù hợp. Nhiều bạn thấy mình mắc Covid-19 rất nhẹ, sức khỏe vẫn tốt đã tận tình hướng dẫn người thay thế mình qua điện thoại, làm online một số việc có thể để san sẻ cùng đồng đội trong những ngày bận rộn".
Nỗ lực ấy cũng đem lại cho họ những "quả ngọt" bất ngờ, như bệnh nhân 8963. Người thủy thủ ngoài 50 tuổi về từ Ấn Độ này đã gặp phải biến chứng nguy hiểm "cơn bão Cytokine", cũng là thứ từng quật ngã phi công người Anh (bệnh nhân 91). Thế nhưng, sau 21 ngày điều trị tích cực, ông đã đặt bước chân đầu tiên xuống giường.
"Điều trị những ca như thế này giống như chạy đua với thần chết, phải chăm sóc, can thiệp, theo dõi hết sức sát sao. Trong thời điểm này, sự hồi phục của bệnh nhân là nguồn động viên, khích lệ tinh thần quý giá đối với tập thể BV Bệnh nhiệt đới TP HCM chúng tôi" - TS-BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, bày tỏ.
Ngày 26-6, BV Bệnh nhiệt đới TP HCM đã chính thức nhận được quyết định kết thúc cách ly y tế, tiếp tục làm nhiệm vụ của BV "tầng 3" - BV hồi sức chuyên sâu trong mô hình "tháp 3 tầng" điều trị Covid-19 mà Sở Y tế ban hành cùng ngày. Một phó giám đốc BV này cũng được "biệt phái" làm giám đốc BV Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 vừa thành lập, nối gót 2 vị phó giám đốc khác đã lãnh đạo BV Dã chiến Củ Chi và BV Điều trị Covid-19 Cần Giờ từ đầu đại dịch.
Những khoảnh khắc đáng nhớ
BV Điều trị Covid-19 Trưng Vương, một BV "tầng 3" khác ở TP HCM, với 1.000 giường đã ra đời sau cuộc "lột xác" chỉ trong 3 ngày trên nền BV Trưng Vương.
"Rất nhiều việc phải làm: lo chuyển viện cho bệnh nhân hiện hữu, thiết lập cơ chế vận hành hoàn toàn mới để phù hợp việc điều trị Covid-19, thay đổi hoặc xây dựng các quy trình, bố trí nơi lưu trú và phương tiện di chuyển cho mọi người... Khi tham gia điều trị Covid-19, nhân viên y tế không thể về nhà nữa mà sau giờ làm sẽ đến khách sạn lưu trú được Sở Y tế TP HCM cho phép, bảo đảm không tiếp xúc với cộng đồng" - TS-BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Điều trị Covid-19 Trưng Vương, cho biết.
Các bác sĩ BV Điều trị Covid-19 Trưng Vương
Các nhân viên ở đây đã tự ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của chuỗi ngày thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Một trong số đó, nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy của Khoa Cấp cứu với hình ảnh ẵm một bệnh nhi Covid-19 chỉ 7 tháng tuổi bú bình sữa được vắt từ chính cơ thể chị đã gây "sóng" trên mạng xã hội Facebook.
Bức ảnh gây chú ý khác là cảnh một phó giám đốc BV vui vẻ làm "shipper" để chuyển đồ tiếp tế đến khách sạn lưu trú sau ca làm việc. Bằng cách chia sẻ với nhau mọi việc từ lớn đến nhỏ, họ đã tự tin tiếp nhận và điều trị ổn thỏa cho hàng trăm bệnh nhân chỉ sau vài ngày BV chuyển đổi công năng.
"Không chỉ bác sĩ Thúy, nhiều người mẹ khác ở đây và ở các BV trên toàn quốc cũng đang phải nén nỗi nhớ con để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nghĩ rằng mọi người đều có thể giúp đỡ nhân viên y tế trong cuộc chiến này bằng cách tuân thủ 5K và các khuyến cáo khác, rồi tất cả chúng ta sẽ được trở về với gia đình, với cuộc sống bình yên cũ" - nữ lãnh đạo một phòng chức năng của BV Trưng Vương mong mỏi.
Mừng vì máy lọc máu, ECMO còn "ế"
Tại BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), số bệnh nhi và phụ huynh mắc Covid-19 tăng lên từng ngày. Những ngày qua, các nhân viên y tế tại Khoa Nhiễm và lực lượng tăng cường cho khoa cũng như mọi bộ phận khác đã bắt đầu những ca làm kéo dài 1 tuần, xét nghiệm trước và sau khi vào/ra ca, sau đó cách ly tại BV hoặc tại nhà tùy theo vị trí.
Các bác sĩ kiêm bảo mẫu, shipper tã sữa, chú hề... để phục vụ thượng đế nhí - Ảnh do bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chụp vội qua điện thoại bọc bao ni-lông để phòng dịch
Nhiều bạn trẻ trong lực lượng điều trị Covid-19 đã nhường cho những người đang có con nhỏ, mang thai... tạm thời chưa phải "ứng chiến". Một bác sĩ trẻ dí dỏm mô tả công việc của mình: "Bác sĩ kiêm bảo mẫu, shipper tã sữa, chú hề, hoạt náo viên hay bất cứ thứ gì thượng đế nhí yêu cầu".
"Tôi chưa phải vào Khoa Nhiễm, đó là điều may mắn vì nhóm của tôi là nhóm hồi sức, chưa vào đó là chưa có ca nặng" - bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố, thổ lộ. Là bác sĩ hồi sức giàu kinh nghiệm và là người đem kỹ thuật ECMO về BV, ông được phân công trong nhóm bác sĩ sẽ nhận nhiệm vụ khi có bệnh nhi phải dùng đến máy thở, lọc máu, ECMO.
Kỳ tới: Chuyện ở chốt phong tỏa Hóc Môn
Bình luận (0)