Vài cây hoa kiểng cũng chẳng bao nhiêu tiền và chúng ta cũng tin rằng người phụ nữ nọ cũng không thiếu tiền đến mức không mua nổi cho mình vài cành hoa. Nhìn ở góc độ hành vi, đây chính là ăn cắp của công. Càng buồn hơn là hành vi này không xuất phát từ sự túng bấn để giải quyết nhu cầu cấp thiết mà chính là lấy cái không phải của mình khi có "dịp".
Hành động trên dễ dàng xảy ra ở nhiều nơi, bởi của công không được quản lý, hành vi không bị nghiêm trị và thêm vào đó là lòng tham bản năng bị buông thả. Cách đây chưa lâu, cán bộ nhiều xã ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã ăn chặn tiền hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại địa phương. Trong cả thời gian dài, cán bộ xã, thôn bằng nhiều cách đã bòn rút, chi sai đến hơn 1,3 tỉ đồng. Thế nhưng, đến nay UBND huyện Quan Sơn chỉ yêu cầu thu hồi hơn 200 triệu đồng. Số tiền còn lại chẳng biết bao giờ trả lại cho người dân hoặc khắc phục hậu quả. Đáng nói hơn, những cán bộ liên quan đến việc ăn cắp của công này không hề bị xử lý kỷ luật.
Bòn rút, tiêu xài của công diễn ra đủ cách. Lộ liễu thì bớt xén tiền như cách trên, khéo léo hơn thì vẽ ra bao lý do để hợp thức hóa. Thử tưởng tượng các công ty xổ số kiến thiết ở các tỉnh, thành mỗi năm thi nhau tổ chức cả chục chuyến đi "học hỏi kinh nghiệm" ở nước ngoài trong thời gian qua thì đủ thấy việc sử dụng của công tùy tiện đến mức nào. Cá biệt như Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Cà Mau tổ chức cả đoàn mấy chục người, mời cả cán bộ của tỉnh đi nước ngoài tốn cả tỉ đồng nhưng chẳng ai nói được gì. Trong những nơi đến "học tập" có thiên đường du lịch Dubai - một nơi chẳng có xổ số để mà "trao đổi kinh nghiệm"!
Trị thói quen ăn cắp của công không còn cách gì hơn là xử lý thích đáng và có cơ chế quản lý chặt chẽ. Ai cũng biết đây là biện pháp nhưng để nó có tác dụng thực tế thì thiên nan, vạn nan. Nguyên nhân là do nguồn lợi này quá lớn và số người nhòm ngó nó cũng không hề ít. Chỉ cách đây vài ngày, HĐND TP HCM đã tổ chức hội nghị về giám sát đất công trên địa bàn đã nêu thực trạng quản lý không chặt, buông lỏng kéo dài nhiều năm. Hàng triệu mét vuông đất công là miếng mồi ngon cho không ít đơn vị, cá nhân trục lợi qua các hợp đồng hợp tác, liên kết kinh doanh, khai thác mặt bằng... Vậy nhưng đến nay vấn đề này cũng chỉ được đặt trong nghi vấn "do khách quan nhận thức của cán bộ, quy định pháp luật không rõ hay có tiêu cực, lợi ích?".
Ngay trong những ngày này, dư luận người dân tại huyện Đắk Nông cũng bất ngờ trước việc rất nhiều cán bộ được chia đất quốc phòng. Khi vụ việc bị phanh phui, những cán bộ trên cho rằng mình không hề biết việc chia đất. Quả là khôi hài, giờ này làm gì còn cán bộ vi phạm nhưng lại ngây thơ trước nguồn lợi quá lớn như thế!
Từ một chậu hoa đến những mảnh đất tiền tỉ tuy có khoảng cách lớn nhưng có cùng hành vi và cũng là hệ quả của pháp luật bị buông lỏng.
Bình luận (0)