Trong khuôn khổ dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 và các Hội nghị liên quan, ngày 2-8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar và Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh Abdul Momen.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar - Ảnh: Thế giới và Việt Nam
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar, hai bên cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và nhất trí các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế, hàng không, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy hợp tác trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam và trong dịp Việt Nam và Ấn Độ cùng giữ cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ấn Độ bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác về dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông.
Hai bên khẳng định lập trường chung về Biển Đông cam kết duy trì hoà bình, ổn định, tự do và an ninh hàng hải, giải quyết các vấn đề trên biển bằng biện pháp hoà bình phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Trước đó, Tờ Business Today dẫn câu trả lời báo giới của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar về phản ứng trước việc Trung Quốc điều tàu xâm phạm vùng biển của Việt Nam, tiến đến vị trí lô dầu khí mà ONGC của Ấn Độ đang có dự án khai thác.
Theo OutlookIndia, người phát ngôn Raveesh Kumar nhấn mạnh Ấn Độ có lập trường rõ ràng và nhất quán trong vấn đề Biển Đông. Ấn Độ có lợi ích kinh tế và thương mại quan trọng qua Biển Đông, nơi chiếm gần 55% giao thương của nước này. Ấn Độ đã và đang ủng hộ tự do hàng hải và tự do tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông theo các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Với câu hỏi liệu công ty ONGC của Ấn Độ có dừng khai thác tại vùng biển khi đang có căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ là có bất cứ sự dừng lại nào trong hoạt động khai thác dầu khí của chúng tôi".
Ấn Độ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7-1-1972. Có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, hai nước nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Chiến lược Toàn diện" vào tháng 9-2016.
Hợp tác quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng và chiến lược, mở rộng trong cả 3 quân binh chủng hải, lục, không quân và tập trung vào 3 lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng và tàu thăm viếng.
Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bình quân 16%/ năm trong giai đoạn 2008-2013. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mốc 15 tỉ USD vào năm 2020.
Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đều là thành viên của Hiệp định đầu tư ASEAN - Ấn Độ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ.
Bình luận (0)