Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở thành phố đảo này trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2020. Lượng khách đến với Phú Quốc đã giảm hơn 95% nên hầu hết cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí tạm dừng hoạt động do không có khách. Trong khi đó, các công ty du lịch lữ hành, công ty vận tải cũng dừng hoạt động, ảnh hưởng đến các hoạt động khác như sản xuất, tiêu thụ nông sản, hải sản.
Ông Hưng bày tỏ mong muốn sớm có đủ vắc-xin tiêm ngừa cho toàn dân để mở cửa du lịch và đón khách quốc tế càng sớm càng tốt. Nếu để chậm trễ thì sẽ mất lượng khách đáng kể do một số điểm đến trong khu vực như Phuket - Thái Lan hay Bali - Indonesia đang tranh thủ mở cửa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Về vấn đề này, ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang, cho rằng nếu nguồn vắc-xin phân bổ cho tỉnh chậm thì kế hoạch thực hiện thí điểm đón khách quốc tế cũng sẽ bị chậm theo. Theo ông Huỳnh, Phú Quốc còn khoảng 30%-45% dân số cơ học đang ở theo các dự án đầu tư. Do đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần tính toán kỹ để đưa ra các giải pháp phù hợp và an toàn khi Phú Quốc mở cửa đón khách du lịch.
Khách du lịch đến Phú Quốc đã giảm đến 95% so với các năm trước do ảnh hưởng dịch Covid-19
Trong cuộc họp gần đây với lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, cho rằng một trong những điều kiện quan trọng đầu tiên đối với khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc là phải có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin.
"Đảo ngọc" vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh do đặc thù có nhiều giao thương bằng đường hàng không, đường biển hoặc giữa người dân địa phương với các tỉnh, thành trong việc đi lại, buôn bán, làm việc và tình trạng nhập cảnh trái phép. Do đó, nếu cho khách du lịch đi lại một cách tự do ở mọi nơi thì không đủ lực lượng để dàn trải, bảo đảm việc theo dõi, giám sát cũng như phòng chống dịch bệnh trên toàn bộ địa bàn một cách chặt chẽ.
Một lý do nữa được bà Hương nêu ra là những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin vẫn còn nguy cơ lây nhiễm.
"Đầu tiên là phải xác định được các khu vực cho phép du lịch. Khu vực này phải khép kín, bảo đảm an toàn các biện pháp phòng chống dịch và được cập nhật trên bản đồ Covid-19. Song song đó, phải chuẩn bị các lực lượng tham gia giám sát, đáp ứng tình huống không may có trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng hoặc nhân viên phục vụ tại khu, điểm du lịch mắc bệnh, hay trường hợp du khách mắc Covid-19 thì xử lý ra sao... Cần ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, giám sát phòng chống dịch" - bà Hương góp ý.
Bình luận (0)