Chiều 25-11, Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM cho hay trung tâm nhận được thông báo cấp cứu có người bị tai nạn cây ngã đè trong lúc lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) nên triển khai ngay xe cấp cứu chuyên dụng đến hiện trường. Tuy nhiên, ngay sau đó trung tâm đã nhận được thông tin nạn nhân đã tử vong.
Cây lim trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3) bị bật gốc Ảnh: CTV
Theo thông tin ban đầu từ Công an xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, nạn nhân tử vong được xác định là ông Nguyễn Văn Tân (58 tuổi, tạm trú tại địa chỉ 710 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Phú, quận 7). Trước đó, vào lúc 14 giờ 15 phút cùng ngày, nhận được tin báo có người bị cây đè trên đường Nguyễn Văn Linh (hướng từ quận 7 về Quốc lộ 1A) đoạn qua ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Công an xã Bình Hưng đến hiện trường để đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Ngoại khoa Nam Sài Gòn ở gần đó. Tuy nhiên, đến gần 15 giờ, bệnh viện này xác định bệnh nhân đã tử vong.
Một cây lim khác trên đường Phạm Hồng Thái (quận 1) cũng đã bị bật gốc trong cơn mưa chiều 25-11 Ảnh: CTV
Theo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM, tính đến 17 giờ chiều nay, đơn vị này ghi nhận có 14 trường hợp cây xanh bị gãy đổ, bật gốc, tét nhánh... tập trung ở quận 1, 3, 5, 6, 10, Gò Vấp và Thủ Đức; trong đó có 11 cây bị ngã. Các sự cố cây xanh không gây thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Hiện công nhân đang dọn dẹp hiện trường tại các vị trí cây xanh đổ ngã để đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông trước khi dọn dẹp vào sáng mai.
Đối với sự cố cây xanh gây chết người trên đường Nguyễn Văn Linh, đơn vị quản lý là Ban quản lý khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Đến hơn 19 giờ ngày 25-11, mưa vẫn tiếp tục đổ xuống và càng lúc càng nặng hạt trên diện rộng khắp TP HCM. Hàng loạt tuyến đường ngập nặng, giao thông tê liệt, nhiều khu vực nhà dân đóng kín cửa tránh gió.
Đường Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân) ngập mênh mông
Đường Huỳnh Tấn Phát lúc 19 giờ ngập như sông, kéo dài hàng cây số và tối đen do điện bị ngắt, giao thông hỗn loạn. Tuyến đường này đang trong giai đoạn sửa chữa, nâng cấp nên tình hình giao thông càng tồi tệ hơn. Những ôtô lớn rồ ga vượt qua đoạn ngập khiến sóng cuồn cuộn táp vào 2 bên bờ, đánh dạt người đi xe máy và ập vào nhiều nhà dân xung quanh.
Giao thông trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) "tê liệt" do ngập nước
Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra ở hàng loạt con đường khác như Bình Chiểu (quận Thủ Đức), khi nước nâng cao gần 1 m, ngập hơn nửa thân chiếc taxi. Còn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), nước cũng gần ngập yên xe máy. Giao thông qua những khu vực này gần như "tê liệt", nhiều người đi tiếp không được, quay lại chẳng xong, dở khóc, dở cười giữa biển nước.
Và đây là cảnh tượng trên đường Bình Chiểu (quận Thủ Đức), khi nước ngập trắng xóa
Trong khi đó, ảnh hưởng từ bão số 9, tại TP HCM xuất hiện dông lốc làm nhiều cây xanh ngã đổ và ghi nhận đến tối cùng ngày đã có một nạn nhân tử vong. Theo đó, trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) vào chiều cùng ngày, một cây cổ thụ bị gió quật đổ, đè trúng một người đàn ông chạy xe máy ngang qua khiến người này bị thương nặng và dù được chuyển vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.
Cây xanh ngã đổ trên đường Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân)
Còn tại nhiều tuyến đường khác như Phạm Hồng Thái, đoạn qua góc Lê Thánh Tôn - Trương Định (quận 1) và Lê Quang Sung (quận 6), Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân)…, nhiều cây xanh cũng ngã đổ và các đơn vị chức năng đang khẩn trương xử lý.
Trong khi đó, theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, mưa kéo dài và mỗi lúc một lớn nên trong ngày 25-11, trên tuyến rạch Giồng - sông Kinh Lộ (ấp 4, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) xảy ra một vụ sạt lở đất với diện tích khoảng 400 m2, hư hại một ao nuôi tôm của người dân. May mắn, vụ sạt lở này không gây thiệt hại về người.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động lúc 19 giờ 30 phút, ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng Quản lý Hệ thống thoát nước mưa (thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM) cho biết hiện TP vẫn đang có hơn 40 điểm ngập.
Theo ông Trường, hồi cuối giờ chiều, khi mưa ngớt thì một số tuyến đường ở quận Gò Vấp như Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu hết ngập. Nhưng sau đó, mưa lớn trở lại nên các tuyến đường này lại tái ngập. Về con số cụ thể các tuyến đường đang bị ngập, ông Trường cho hay vẫn chưa thể thống kê chính xác do trời vẫn đang mưa lớn.
Hơn 40 tuyến đường ở TP HCM đang bị ngập, các phương tiện đi lại khó khăn
Thời điểm hiện tại, mực nước triều đang đạt đỉnh càng khiến cho nước mưa ở hệ thống thoát nước thoát chậm hơn. Cụ thể, số liệu đo ở trạm Bình Triệu cho thấy triều cường đang đạt ở mức 1,39 m và có thể tăng thêm do trời mưa. Với diễn biến mưa và triều cường như hiện nay thì số tuyến đường ngập dự báo vẫn lên đến hàng chục tuyến đường.
Công ty Thoát nước đô thị cũng đã huy động lực lượng gần 600 người có mặt tại hiện trường để vớt rác, điều tiết giao thông, vận hành máy bơm di động.
Ứng dụng UDI Map với màu đỏ chủ đạo cảnh báo số điểm ngập tại TP HCM
Theo quan sát trên ứng dụng UDI Map của công ty này, hiện số điểm ngập đang "đỏ sàn" khi hiện thị điểm ngập ở nhiều quận huyện của TP. Hiện các tuyến đường đang ngập nặng có Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Quốc Hương và Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), Lê Lai, Bùi Viện, Nguyễn Cư Trinh, Calmette (quận 1), Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu (quận Thủ Đức), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè),…
Bình luận (0)