Tối 8-7, UBND TP HCM đã tổ chức họp báo về việc triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP HCM trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9-7. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức và đại diện các sở, ngành đã giải đáp nhiều thông tin mà báo chí và người dân còn thắc mắc khi TP thực hiện Chỉ thị 16.
Xe công nghệ vẫn hoạt động nếu vận chuyển hàng hóa
Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh nguyên tắc của lần áp dụng này là gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và TP Thủ Đức cách ly với quận - huyện và TP Thủ Đức.
"Mục đích chính là tận dụng thời gian giãn cách xã hội để siết chặt các biện pháp phòng chống dịch nhằm đạt kết quả cao nhất" - ông Dương Anh Đức nhấn mạnh và cho biết thêm trước đây, TP HCM thực hiện Chỉ thị 10 đã cấm hoạt động ăn uống tại quán, chỉ bán mang về. Nay đến thực hiện Chỉ thị 16 thì nâng lên một bước nữa là tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về, nghĩa là các cơ sở kinh doanh dịch vụ, ăn uống phải dừng hoạt động. Xe không chở người vẫn được hoạt động do đó vận chuyển hàng hóa bằng xe ôm, xe công nghệ vẫn hoạt động bình thường nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Ngoài ra, các cửa hàng tạp hóa kinh doanh dịch vụ thiết yếu, hiệu thuốc được duy trì hoạt động.
Riêng các hoạt động từ thiện như phát cơm..., TP HCM vẫn cho phép duy trì bởi đây là hoạt động mang tính nhân văn, nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. "Nhưng quan trọng hơn hết, dù làm gì, hoạt động gì thì vẫn phải bảo an toàn phòng chống dịch, giữ an toàn cho TP, giúp TP nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này" - Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Trung tâm TP HCM hôm 8-7, một ngày trước khi TP thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Mỗi người dân hy sinh một chút để chống dịch
Liên quan việc di chuyển ra vào TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết khi áp dụng Chỉ thị 16, người dân chỉ được ra đường để giải quyết nhu cầu cấp thiết. Nếu người dân không lý giải được việc di chuyển là chính đáng thì chắc chắn không được phép. Việc di chuyển từ TP HCM sang tỉnh, thành khác cũng có quy định đã nói rõ. Ví dụ người từ TP HCM sang tỉnh, thành khác sẽ bị cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm 3 lần.
TP HCM rất nỗ lực thống nhất với các tỉnh, thành về quy trình để hạn chế việc ách tắc giao thông, hạn chế lưu thông hàng hóa và duy trì được việc phục vụ hoạt động thiết yếu... Về việc lực lượng nào sẽ xử phạt người vi phạm các quy định phòng chống dịch, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh người dân bao gồm công chức, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý như nhau. Việc xử phạt người dân ra đường khi không có nhu cầu thiết yếu được quy định trong Nghị định 117/2020; thẩm quyền xử phạt là chủ tịch UBND cấp xã, chánh thanh tra sở y tế, trưởng phòng Công an cấp tỉnh...
Phóng viên đặt câu hỏi về việc với 12 trạm chốt tại cửa ngõ TP hoặc trong quá trình tham gia giao thông, người dân cần xuất trình giấy tờ gì nếu bị kiểm tra, trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP HCM, trả lời nhằm bảo đảm tối thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, theo nội dung Công văn 2279, TP HCM tăng cường xử phạt hành chính với người ra khỏi nhà không theo quy định. Đại diện Phòng CSGT cho biết lực lượng công an bằng các biện pháp nghiệp vụ sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt.
Về hàng hóa tại TP HCM, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết 148/234 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối phải tạm đóng cửa. Điều này bước đầu có khó khăn nhưng các lực lượng cũng đã nỗ lực rất lớn. Ông Phương nhìn nhận: Nếu người dân đồng cảm, chia sẻ, bình tĩnh mua sắm thì chắc chắn không bao giờ thiếu hàng.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho rằng TP HCM đang ở một giai đoạn khó khăn mà mỗi người phải hy sinh một chút. "Không có quyết định nào toàn vẹn. Khi ra quyết định gì, lãnh đạo TP rất cân nhắc từng bước, hoạt động nguy cơ cao thì mới siết chặt và đến lúc này, cần những biện pháp thực sự quyết liệt. Rất mong có sự chia sẻ, đồng cảm, ủng hộ của người dân" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhắn gửi.
Ngày 8-7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ký Công văn khẩn số 2279 về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị 16 ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn TP thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9-7. Mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao...
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.
TP HCM tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo; tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về. TP HCM cũng dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng ôtô; dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng môtô.
Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.
Bình luận (0)