Thay vì dùng một túi nhựa gói hàng như trước, để trấn an tâm lý khách mua hàng, anh Nguyễn Gia Thanh (quận Tân Bình), bán quần áo online phải bọc thêm 2 lớp túi nhựa để khách an tâm khi nhận hàng. Bởi theo anh, nhiều khách không dám mua do sợ virus bám bên ngoài nên yêu cầu người bán phải gói hàng 2-3 lớp. "Biết là gây hại môi trường nhưng thời buổi buôn bán khó khăn, chi phí mua túi nhựa thấp hơn các loại túi giấy nên đành chịu" - anh Thanh phân trần.
Rác nhựa tăng đột biến
Khi TP HCM thực hiện giãn cách để phòng chống dịch có hiệu quả, các dịch vụ mua bán hàng hóa đều qua đóng gói vận chuyển đến tận nơi người tiêu dùng. Rác bao bì, chủ yếu là túi nhựa, theo đó tăng đột biến. Theo anh Nguyễn Gia Thanh, trung bình 2 tháng nay, lượng túi nhựa anh dùng gói hàng tăng gấp đôi so với trước, khoảng 6 kg/tháng. Nhiều cửa hàng bán mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm online và các siêu thị có dịch vụ giao hàng tận nhà cũng trấn an khách hàng bằng cách bọc nhiều lớp túi nhựa khi giao hàng.
Không chỉ việc mua bán online tiêu tốn khá lớn lượng túi nhựa mà các hàng quán phục vụ đồ ăn, thức uống cũng ngốn khá nhiều hộp xốp, túi nhựa phục vụ khách mang đi.
Sáng 3-7, theo chân xe thu gom rác dân lập của anh Nguyễn Văn Tốt (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) nhận thấy lượng rác sinh hoạt người dân thải ra những ngày giãn cách không tăng nhưng rác nhựa gia tăng hơn ngày thường. Theo anh Tốt, ngày thường rác nhựa đã nhiều, chiếm 50% lượng rác thu gom, những ngày giãn cách do dịch bệnh, người dân mua đồ ăn thức uống về nên rác nhựa tăng thêm từ 10%-15%.
Tiếp tục ghi nhận tại một số trạm trung chuyển rác, nơi tập kết rác sinh hoạt cho thấy lượng rác thải nhựa cũng gia tăng.
Tại trạm trung chuyển rác trên Quốc lộ 1 (huyện Hóc Môn), nơi tiếp nhận rác trên địa bàn quận 12, 30 phút quan sát xe của Công ty Môi trường Đô thị TP đang ép rác, chúng tôi thấy một lượng rác thải nhựa nằm lẫn trong rác hữu cơ, đa phần là túi nhựa, hộp xốp…, đặc biệt là khẩu trang phòng dịch thải ra không ít trong rác thải sinh hoạt của người dân mỗi ngày.
Tương tự, tại trạm ép rác kín Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình), trạm trung chuyển Quang Trung (quận Gò Vấp), một lượng lớn rác thải nhựa lẫn trong rác hữu cơ được mang đến Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn ở huyện Củ Chi để chôn lấp mỗi ngày.
Một nhân viên ở trạm Phạm Văn Bạch cho biết không thể thống kê lượng rác thải nhựa mỗi ngày tăng cụ thể bao nhiêu nhưng rõ ràng lượng rác nhựa ở đây chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Do không được phân loại từ nguồn, lượng rác nhựa thải ra ngày một tăng nhưng chỉ xử lý bằng phương pháp chôn lấp như hiện nay sẽ gây hại nghiêm trọng cho môi trường.
Xử lý rác y tế tại khu xử lý rác Đông Thạnh
Lượng rác thải nhựa tăng đáng kể trong thời gian giãn cách phòng chống dịch Covid-19
Quá tải xử lý rác y tế
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM (Citenco) là đơn vị nhà nước duy nhất xử lý chất thải y tế nguy hại phát sinh do dịch bệnh, thu gom từ các khu cách ly tập trung, bệnh viện, phòng khám đa khoa…
Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng của Citenco, cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty được UBND TPHCM chỉ đạo phụ trách thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực cách ly tập trung, ước tính khoảng 12 tấn/ngày, nâng tổng số rác thải y tế phải xử lý lên 32- 35 tấn/ngày (trung bình ngày thường 23 tấn/ngày). Hiện nay, công suất xử lý tối đa của công ty là 42 tấn/ngày. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, kéo dài, lượng rác tăng nhanh, khả năng lượng rác thu gom sẽ vượt quá công suất xử lý của công ty.
Trước thực trạng này, nhằm bảo đảm việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM có công văn đề nghị 4 công ty chuyên xử lý chất thải nguy hại sẵn sàng tiếp nhận khi có yêu cầu, gồm: Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc, Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại Môi trường xanh, Công ty TNHH MTV Dịch vụ môi trường và Kỹ thuật xăng dầu, Công ty TNHH Thương mại - Xử lý Môi trường Thành Lập.
Cụ thể 4 công ty này phải chuẩn bị thiết bị lưu chứa, phương tiện vận chuyển, khu vực tiếp nhận và xử lý chất thải y tế phát sinh bảo đảm đúng quy trình xử lý chất thải nguy hại (có chất thải y tế) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép và các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm công suất tối đa xử lý chất thải y tế trong ngày; đồng thời, xây dựng phương án bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19.
Về đơn giá xử lý chất thải y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị 4 công ty trên hỗ trợ chung tay cùng TP với đơn giá ở mức thấp nhất nhưng vẫn bảo đảm hoạt động của các đơn vị.
Phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt
Quy trình thu gom, xử lý rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly tập trung phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Rác thải được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh. Công nhân thu gom được trang bị đồ bảo hộ an toàn. Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng (thùng kín) phải được phun xịt khử khuẩn. Khi về đến khu xử lý rác Đông Thạnh tiếp tục được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Tro chất thải sau khi đốt xong phải được hóa rắn và chôn lấp tại bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.
Rác ở khu phong tỏa, hiện do địa phương chủ động phương án thu gom nhưng chỉ mới được xử lý phun thuốc sát khuẩn trước khi nhập vào rác thải sinh hoạt của người dân địa phương.
Bình luận (0)